Vĩnh Phúc: Cải tạo hệ thống thu gom nước thải khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu dân cư
Tin tức - Ngày đăng : 09:23, 13/05/2019
Dự Lễ phát động và ra quân có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ một chủ trương đúng…
Báo cáo kết quả thí điểm, làm mẫu xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải khu dân cư khắc phục ô nhiễm môi trường tại xã Nghĩa Hưng và xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, ông Trần Việt Cường - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Thực hiện về chủ trương thí điểm huy động “Nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường tại một số xã trên địa bàn tỉnh” của Tỉnh ủy Vĩnh phúc, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường đã quyết liệt triển khai chương trình này.
Theo báo cáo, trên địa bàn xã Tam Phúc tổng số có 11,30km rãnh; trong đó: rãnh đã cứng hóa có nắp đạy 4,31km, rãnh chưa được cứng hóa 6,99km; Và xã Nghĩa Hưng tổng số có 23,9km rãnh; trong đó: rãnh đã cứng hóa có nắp đạy 5,2km, rãnh đã cứng hóa nhưng chưa có nắp đạy 13,3km, rãnh chưa được cứng hóa 5,4km. Trong thời gian trước đây, nhiều cống rãnh đã bị tắc nghẽn, không đảm bảo thoát nước khi có mưa và tồn đọng nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Việt Cường, điểm thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh sự tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng như Huyện Vĩnh Tường, đó là sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân 2 xã Tam Phúc, Nghĩa Hưng được làm thí điểm.
Cả hệ thống chính trị và nhân dân của 2 xã Tam Phúc, Nghĩa Hưng đều hiểu về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước thải được nâng lên, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. “Chủ trương, cơ chế hỗ trợ của tỉnh đã tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng ở khu dân cư trong công tác bảo vệ môi trường…” - ông Trần Việt Cường cho hay.
…đến cách làm hay
Để vượt lên những khó khăn thường thấy trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, Đảng ủy, UBND 02 xã đã tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương của tỉnh đến các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ, đảng viên và Nhân nhân trên địa bàn xã; ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí và thành lập các Tiểu ban ở các khu dân cư trên địa bàn xã do đồng chí Bí thư Chi bộ làm Trưởng Tiểu ban, thành viên là các ban, ngành, đoàn thể ở thôn và Tổ trưởng Tổ liên gia.
Đặc biệt, các chi bộ tổ chức họp thống nhất trong Chi bộ, sau đó tổ chức họp Nhân dân để bàn, xin ý kiến về cách làm; ngõ làm điểm tiếp tục họp bàn, thống nhất (xã Tam Phúc họp 25 cuộc, xã Nghĩa Hưng họp 20 cuộc). Đồng thời công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
UBND huyện Vĩnh Tường đã biên tập tài liệu tuyên truyền gửi cho 2 xã Tam Phúc, Nghĩa Hưng phát trên hệ thống truyền thanh của xã. UB MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân tại các thôn làm điểm tham gia kế hoạch triển khai thực hiện mô hình thí điểm xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước thải tại khu dân cư; phát động tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị họp Đảng ủy mở rộng, họp các chi bộ ở thôn, các ngõ,... để Đảng viên, hội viên, đoàn viên thanh niên, người cao tuổi và toàn thể Nhân dân nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó vận động gia đình, người thân tích cực hưởng ứng tham gia.
Hai xã Tam Chúc và Nghĩa Hưng đã tổ chức quét vôi ve, vẽ tranh trên tường tại các tuyến làm điểm với tổng số 460m2, bao gồm: 27 bức tranh phong cảnh, cổ động và 14 thông điệp nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo tổ chức giám sát cộng đồng thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm.
Từ đó, chỉ sau một thời gian ngắn (từ 01/4 đến 30/4/2019), đến nay, hệ thống cống, rãnh thu gom nước thải khu dân cư tại các tuyến đăng ký làm điểm tại 02 xã đảm bảo khả năng tiêu thoát nước thải, nước mặt, cảnh quan môi trường và mặt đường được mở rộng do nắp rãnh bê tông có kết cấu đảm bảo độ dày vững chắc cho xe cộ lưu thông.
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tại xã Nghĩa Hưng hoàn thành làm thí điểm 06 tuyến rãnh/02 thôn (Chợ, Nghĩa Lập), tổng chiều dài 604m, trong đó: xây mới 484m, cải tạo 120m. Tổng khối lượng bê tông, móng rãnh phải múc bỏ vận chuyển đi nơi khác tại 06 tuyến/604m là 564,8 m3; Còn xã Tam Phúc hoàn thành làm thí điểm 03 tuyến rãnh/02 thôn (Phúc Lập, Phù Cốc), tổng chiều dài xây mới 428m. Tổng khối lượng bê tông, móng rãnh phải múc bỏ vận chuyển đi nơi khác tại 03 tuyến/428m là 376,6 m3…
Trực tiếp dẫn đầu Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi thị sát, kiểm tra công tác này tại xã Nghĩa Hưng sáng 13/5, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao kết quả đạt được ở địa phương đặc biệt là vai trò của Đảng bộ, Chính quyền cơ sở và nhất là người dân 2 xã trong công tác bảo vệ môi trường khu dân cư.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị bà con nhân dân phát huy tinh thần tự giác trong bảo vệ môi trường, thường xuyên duy trì phong trào toàn dân đảm bảo cho hệ thống thu gom nước thải khu dân cư và vệ sinh môi trường khắc phục ô nhiễm môi trường. Bà Hoàng Thị Thúy Lan cũng đề nghị các Sở, Ngành, Chính quyền huyện Vĩnh Tường tiếp tục sát sao đối với công việc này.
Sẽ nhân rộng mô mình
Từ việc xây dựng mô mình điểm tại 2 xã Nghĩa Hưng và Tam Chúc, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường đã coi đây là hình mẫu để xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường từ đó làm cơ sở ban hành cơ chế chính sách nhân ra diện rộng, góp phần cải tạo môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vĩnh Phúc cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình điểm như: Địa phương nào cấp ủy, chính quyền tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, sát sao; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện đúng, đầy đủ quy trình công khai - minh bạch - dân chủ; không ngại khó, ngại va chạm thì địa phương đó thực hiện đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND huyện Vinh Tường - ông Trần Việt Cường thì: “Muốn đạt được điều này, cán bộ từ xã đến thôn phải thực sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao; đảng viên, cán bộ, hội viên MTTQ và các đoàn thể gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp kinh phí, ngày công lao động, tham gia hưởng ứng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm. Đồng thời phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện để người dân hiểu, thấy rõ lợi ích, hiệu quả và tự giác tham gia vào toàn bộ quá trình triển khai thực hiện...”
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường sáng 13/5, ông Nguyễn Văn Khước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Để cuộc vận động thành hiện thực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Vĩnh Tường xác định việc xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước thải không làm theo phong trào, chỉ làm đối với các xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố, các ngõ. Chúng tôi xác định chương trình này là làm cho dân, cái lợi đem về lợi ích cho chính người dân.
“Với truyền thống tốt trong xây dựng nông thôn mới, công việc này của Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ được người dân rất đồng thuận, đồng lòng, nhiệt tình hưởng ứng tham gia và thống nhất cao các khoản phải đóng góp. Vĩnh Phúc sẽ tự tin hoàn thành và nhân rộng mô hình này góp phần hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước nói.