Thừa Thiên Huế: Sông Hương sạt lở nặng, cần gấp rút xây kè
Tin tức - Ngày đăng : 16:53, 25/04/2019
Sạt lở “uy hiếp” dân
Nhiều năm nay, đoạn sông Hương chảy qua tổ dân phố 3, phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở ngày càng nặng, khiến nhà cửa của người dân bị nứt toác, sụt lún nghiêm trọng. Hàng chục hộ sinh sống dọc khu vực sạt lở đang đối diện với nhiều nguy hiểm đe dọa đến mạng sống.
Theo ghi nhận của PV, khu vực bờ sông Hương đoạn qua tổ dân phố 3 đã bị sạt lở kéo dài hơn 500m, nhiều diện tích đất đai của người dân bị lấn sâu vào từ 3- 5m, bị cuốn trôi. Lo ngại hơn, có chỗ sạt lở ăn sâu chỉ cách nhà người dân chưa đầy 5m đã khiến nhà dân bị nứt nẻ, sụt lún. Qua quan sát, các vết nứt toác dài, rộng và nền nhà bị sụt lún nghiêm trọng, nhiều mảng tường nứt toát rộng 2 - 3cm, nhà cửa có thể bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào.
Ông Lê Văn Suông (42 tuổi, trú tại tổ dân phố 3, phường Hương Hồ) là một trong nhiều hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ sạt lở bờ sông Hương cho hay, tình trạng sạt lở lấn vào nhà dân đã xảy ra gần chục năm nay. Trước đây, nhà ông cách bờ sông một khoảng cách khá xa, nhưng nay sạt lở đã vào gần đến móng nhà. Hơn thế nữa, mỗi lần mưa to, nhất là vào mùa mưa bão cả gia đình phải đi đến nhà người khác để tạm trú. Sạt lở ngày càng nghiêm trọng làm cho gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác thấp thỏm, lo lắng.
“Dường như năm nào bờ sông cũng bị lở sâu vào bờ, nền đất dọc sông thì yếu nên nhà cứ thế mà bị nứt rộng ra từng ngày, để yên tâm hơn tôi đã trám lại các chỗ nứt nhưng việc này chỉ mang tính tạm thời, làm cho có. Muốn xây nhà cũng chẳng xây được bởi đây đang thuộc dự án giải tỏa của tỉnh, thế mà mấy năm nay dự án thì chẳng thấy đâu. Nhiều khi muốn làm liều xây lại nhà để đảm bảo an toàn cho vợ con nhưng sợ sau này giải tỏa không được đền bù thì gia đình tôi trắng tay...”- ông Suông ngậm ngùi nói.
Vào mùa mưa lũ cuối năm 2017 và 2018 vừa rồi, bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở nhiều điểm nghiêm trọng, với tổng chiều dài hơn 5km. Trong đó, từ điểm chân cầu Hữu Trạch đến trường Tiểu học Hương Thọ 1 bị sạt lở hàng chục điểm khác nhau, có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng với hàng ngàn khối đất đã trôi xuống sông. Nguy hiểm nhất là đoạn đường giao thông đi vào trường tiểu học Hương Thọ 1. Tại đây, sạt lở có chiều dài khoảng 20m, sâu khoảng 4m. Tình trạng sạt lở diễn ra nhanh chóng, nhấn chìm nhiều cây xanh dọc bờ sông, làm hư hỏng con đường phía trước và ăn sát và bờ tường của trường.
Người dân cho hay trước đây tình trạng sạt lở đã có xảy ra tại gần trường Tiểu học Hương Thọ 1, nhưng chưa bao giờ nhà trường và các học sinh chứng kiến một cảnh tượng đáng sợ như vậy. Thời điểm diễn ra sạt lở học sinh được nghỉ học do mưa lớn và lượng người qua lại vắng nên may mắn không có tai nạn nào đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, dọc theo tuyến đường bê tông đoạn qua thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ) cũng bị sạt lở nhiều điểm, nhiều hàm ếch xuất hiện.
Theo UBND xã Hương Thọ, tổng chiều dài các điểm sạt lở trên địa bàn khoảng 2,4km, có nơi sạt lở ăn sâu vào 40m. Tuy nhiên, mới chỉ có 4 điểm trọng yếu thi công với chiều dài khoảng 660m, tổng kinh phí thực hiện trên 24,5 tỷ đồng. Tại các điểm này, thị xã, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu các nhà thầu và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, theo dõi kịp thời các diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó phù hợp.
Tại thôn Tân Ba và một số thôn khác ở xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), bờ sông Hương cũng đang sạt lở nghiêm trọng. Hai bên bờ xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng như những miệng “hà bá”. Cây cối, đất đai nhà dân trượt dài xuống nước... Người dân cho rằng cuộc sống vốn dĩ bình yên đã bị “quấy rối” vì nạn khai thác cát sỏi trái phép của các tàu thuyền, trong đó có cả chính tàu thuyền của cư dân trong thôn. Người dân đã rất nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị can thiệp nạn khai thác cát sỏi trái phép nhưng vẫn chưa thấy tiến triển gì; trong khi đất đai, vườn tược... cứ thế mà mất dần.
Xây kè chống sạt lở sông Hương
Trước tình hình trên, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vừa diễn ra, tỉnh này đã thông qua nghị quyết đầu tư dự án kè chống sạt lở các đoạn xung yếu thuộc hệ thống sông Hương.
Theo đó, tổng chiều dài xây các tuyến kè khoảng 21.400m, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 340 tỷ đồng, được thực hiện trong 4 năm. Có 10 đoạn xung yếu đi qua địa bàn TP. Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang được đề xuất làm kè.
Dự án kè chống sạt lở các đoạn xung yếu thuộc hệ thống sông Hương với mục tiêu nhằm ổn định lòng dẫn sông Hương và các nhánh sông thuộc hệ thống sông Hương, tăng khả năng thoát lũ cho lưu vực; đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Hương và hệ thống sông Hương; đảm bảo an toàn cho các tuyến giao thông và các công trình hạ tầng, di tích dọc bờ sông; bảo vệ khoảng 90 ha hoa màu và cây ăn quả. Đồng thời, tạo cảnh quan môi trường và hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra trong các năm tiếp theo.
Theo các đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, sông Hương gắn liền với truyền thống lâu đời của người dân xứ Huế với cảnh quan thơ mộng cùng nhiều công trình kiến trúc cũng như thiên nhiên ở hai bên bờ sông. Những năm gần đây, lưu vực của hệ thống sông Hương chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại nhiều vị trí, uy hiếp đến tính mạng, đời sống và tài sản của người dân, đường sá, di tích dọc hai bên bờ sông. Vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc và khoa học về xây dựng kè chống sạt lở các đoạn xung yếu thuộc hệ thống sông Hương. Có như vậy, mới đảm bảo an toàn cho các hộ dân, bảo vệ các công trình dọc bờ sông; tạo cảnh quan và cải tạo môi trường và hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc xây kè gia cố dọc một số đoạn sông bị sạt lở là cần thiết để bảo vệ an toàn dân sinh, chống mất đất. Tuy nhiên, không cần thiết phải xây những bờ kè liên tục quá dài mà chỉ nên xây ở những đoạn xung yếu với chiều dài đảm bảo cần thiết.
“Trên thực tế thì mục đích của xây kè là hạn chế tác động trực tiếp của dòng chảy tác động thẳng góc với đường bờ, ngăn sạt lở sâu và mở rộng. Theo nguyên lý, một khi gia cố ở đoạn này thì sẽ tạo ra dòng phản ứng ngược, gây sạt lở ở những điểm khác lân cận mà chúng ta không thể liệu trước được, cho nên phải rất thận trọng...”- ông Hùng quan ngại.