Thanh Khê (Đà Nẵng): Tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa vì một đại dương xanh
Tin tức - Ngày đăng : 17:43, 18/04/2019
Những nỗ lực đầu tiên
Khi ở môi trường tự nhiên một túi ni lông phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy, gây ra mối nguy hại đối với môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Để môi trường sạch tức là bảo vệ chính mình và người thân, cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như không sử dụng túi ni lông, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Chị Ngô Thị Bê - Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ KDC số 2 Tân Ninh A (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho rằng, đó cũng chính là động lực thúc đẩy phụ nữ KDC tích cực thực hiện phân loại và tái sử dụng túi ni lông tại gia đình. Chị Bê cho biết, từ tháng 3/2018, dự án thu gom, phân loại tái chế rác thải nhựa được triển khai, Hội phụ nữ đã tổ chức họp để tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Chị em đi chợ về bắt đầu phân loại túi ni lông, túi đựng cá, thịt phải rửa sạch bỏ cùng với túi đựng đồ khô trong một chậu thau nhôm. Cứ hai ngày một lần, các thành viên trong tổ thực hiện dự án cùng với người thu mua ve chai đến những hộ gia đình đã được phân công để thu gom và ghi số liệu, sau đó tổng hợp báo về phòng TN&MT quận và trung tâm nghiên cứu môi trường. Trong thời gian thực hiện dự án, Hội đã thu gom được hơn 100kg túi ni lông cùng rác thải nhựa. Đây là một con số không hề nhỏ, góp giảm được gánh nặng xử lý rác thải cho thành phố. Bên cạnh đó, số tiền thu được từ việc bán chai, lọ nhựa còn tạo được nguồn quỹ để hỗ trợ mua làn nhựa cho các chị em đi chợ hàng ngày, “một công đôi việc”.
“Bản thân mình là nhóm trưởng mình phải rất nhiệt tình. Trong suốt thời gian đầu thực hiện dự án, tôi nhắc chị em hàng ngày. Cứ hai ngày, lại chia nhau đến từng hộ để thu gom. Việc làm nhỏ bé nhưng đã góp phần giảm thiểu bớt các loại rác thải trên toàn thành phố. Đến nay dự án kết thúc, chúng tôi rất tiếc nuối mong muốn địa phương tiếp tục triển khai mô hình này bởi đến nay hiệu quả mang lại rất lớn”- chị Ngô Thị Bê, Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ KDC số 2, Tân Ninh A, Phường Tân Chính, quận Thanh Khê chia sẻ.
Ông Lê Trung Minh Tân - Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, Dự án “Đại dương không nhựa” được triển khai tại địa bàn quận Thanh Khê từ tháng 3/2018 đến tháng 4/2019 dưới nguồn tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam thông qua thỏa thuận ký kết với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR). Sau hơn một năm thực hiện dự án đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực xử lý rác thải của thành phố và nâng cao ý thức của cộng đồng. Đến nay, có khoảng 70% hộ gia đình đã thực hành phân loại rác tài nguyên sau khi được tuyên truyền. Tính từ tháng 7/2018 đến 3/2019, các cấp Hội Phụ nữ đã thu gom được gần 2,5 tấn rác thải nhựa, hơn 200 kg túi ni lông khó phân hủy, 8,1 kg giấy và 3 tấn rác tài nguyên khác. Số tiền thu được từ việc bán rác tài nguyên là hơn 35 triệu đồng. Đặc biệt, địa phương đã chọn triển khai thí điểm 05 KDC thực hiện mô hình giảm thiểu phân loại, thu gom rác thải tài nguyên và giảm sử dụng túi ni lông. Ngoài ra, chị em cũng sáng tạo nhiều cách làm hay như tận dụng vải bạt đã qua sử dụng để may túi vải đi chợ, dùng túi ni-lông tự hủy sinh học... tích cực hưởng ứng dự án.
Biến rác thành tài nguyên
Từ việc triển khai phân loại rác thải nhựa tại nguồn trong thời gian qua tại quận Thanh Khê cho thấy, người dân luôn đồng thuận và sẵn sàng tham gia. Thời gian đến, tiếp thu kinh nghiệm thành công của dự án, Thanh Khê tiếp tục nhân rộng 10/10 phường tại địa bàn trên cơ sở giao trách nhiệm cho cộng đồng ở khu dân cư, phát huy vai trò của các nhóm nòng cốt như Chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… hướng dẫn, giám sát, thu gom rác thải tài nguyên tại các KDC.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) - đơn vị đang hỗ trợ 2 quận Sơn Trà và Thanh Khê triển khai phân loại rác tại nguồn cho hay, với tình hình rác ngày càng phát sinh nhiều và yêu cầu cấp bách là phải thực hiện phân loại rác thải. Muốn triển khai phân loại rác ở cộng đồng dân cư phải bắt đầu từ tuyên truyền và trong thực tế công tác tuyên truyền không hề khó. Nhưng ngoài tuyên truyền thì phải có công cụ để người dân phân loại, chẳng hạn như cung cấp chậu thau nhôm để đựng túi ni lông và tổ chức thu gom rác phân loại như thế nào. Phân loại là khâu quan trọng bậc nhất của việc biến rác thải thành tài nguyên, ngược lại không có phân loại thì rác chỉ là rác.
“Tiền thu gom được từ bán rác là dòng tiền thật là mà các tổ dân cư, Hội phụ nữ nhìn thấy. Nhưng có một dòng tiền tiềm ẩn mà chúng ta không nhìn thấy được. Chính nhờ phân loại rác mà nhà nước đã tiết kiệm được ngân sách trong việc vận chuyển thu gom và cuối cùng là tiền đất. Số tiền mà Thanh Khê gom được từ bán rác tài nguyên trong một thời gian ngắn chỉ 37 triệu là nhỏ, nhưng lại mang lại hiệu quả vô cùng lớn nếu triển khai trên toàn thành phố”-bà Nguyễn Ngọc Lý chia sẻ.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, đến thời điểm này, bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) chỉ còn hơn 250 ngày nữa là đầy rác. Việc cấp bách bây giờ là tìm nơi để xây dựng bãi tập kết rác mới. Nếu không, trong thời gian tới, thành phố sẽ ngập rác, trở thành “thành phố chết”… Từ hiệu quả bước đầu của phân loại và tái chế rác thải nhựa tại Thanh Khê đang mở ra những hi vọng để Đà Nẵng thực hiện thành công Đề án “Thành phố môi trường” mà trước hết là vì “Một đại dương không nhựa”.