Tăng tính lan tỏa phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lông”
Tin tức - Ngày đăng : 21:39, 12/04/2019
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT phát động phong trào thi đua chuyên đề “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lông” (CV số 4907/BTNMT-TĐKTTT ngày 11/9/2018).
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường xanh hơn, sạch hơn và góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và các năm tiếp theo.
Cụ thể, phát động việc tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông trong các cơ quan, đơn vị. Hàng ngày, phát động mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hãy có những hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi ni-lông sử dụng một lần”.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường, trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni-lông sử dụng một lần.
Đề xuất và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trình Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kế hoạch, lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni-lông sử dụng một lần trong các công sở, cơ quan hành chính tại địa phương.
Tiêu chí thi đua được xác định như: Đề xuất xây dựng các chính sách, quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ về giải quyết và ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni-lông. Phong trào thi đua thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông của cơ quan, đơn vị và ngành. Hoàn thành vượt mức các kế hoạch nhiệm vụ, chương trình liên quan đến công tác giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông. Đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và ni lông trong thói quen sinh hoạt và tiêu dùng. Có giải pháp, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong công tác giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông như giải pháp áp dụng các thiết bị công nghệ tái chế nhựa và ni lông, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thay thế...
Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan, cộng đồng và thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông; tuyên truyền với các nội dung phát triển mô hình, cách làm, điển hình tiên tiến; đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để thực hiện việc dự báo, cảnh báo các nguy cơ của việc ô nhiễm nhựa và ni-lông; tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy thực hiện các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về vấn đề ô nhiễm nhựa và ni-lông;
Bộ TN&MT sẽ tổng kết và khen thưởng phong trào. Đồng thời, các đơn vị, các Sở TN&MT tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, tác dụng hiệu quả của phong trào và khen thưởng trao tặng vào dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2019; khen thưởng theo thẩm quyền và đề xuất Bộ trưởng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc phong trào đang có tính lan tỏa cao hiện nay. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển phong trào “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” với quy mô và tầm cao mới.