Sơn La: Tiếp tục kiểm tra, xác minh nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước mó gốc sung

Tin tức - Ngày đăng : 16:06, 06/04/2019

(TN&MT) – Ngày 5/4, Đoàn kiểm tra Sở TN&MT Sơn La tiếp tục tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La và khảo sát các nguồn nghi ngờ có thể gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Cô lập các hồ để xác định có hiện tượng rò rỉ nước thải không
Cô lập các hồ, xác định lượng nước thải đang lưu giữ để xác định có hiện tượng rò rỉ nước thải không

Tại buổi kiểm tra, Đoàn đã tiến hành xác định xem có vị trí rò rỉ nước thải từ hoạt động sản xuất đường hay không. Thống nhất, xác định mức nước sử dụng, lượng nước thải phát sinh cho sản xuất; xác định lượng nước đầu vào, tỷ lệ thất thoát nước trong từng khâu sản xuất, làm cơ sở tính toán lượng nước thải phải xử lý.

Tính toán, xác định dung tích 4 hồ chứa nước thải, lượng nước thải đang lưu giữ, theo dõi, đánh giá khả năng thất thoát nước trong khoảng thời gian nhất định (từ đây có thể xác định được hiện tượng rò rỉ nước thải từ các hồ chứa nếu có hiện tượng mực nước hồ chứa bị sụt giảm). Lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng nước thải do hoạt động sản xuất của nhà máy.

Đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra độ an toàn tại 4 hồ chứa nước thải
Đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra độ an toàn tại 4 hồ chứa nước thải

Việc tiến hành kiểm tra nhằm tiếp tục đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể ô nhiễm mó nước gốc sung; việc quản lý, lưu trữ nước thải từ hoạt động sản xuất đường của Công ty; các nguyên nhân khác có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mó gốc sung.

Trên cơ sở mẫu phân tích, số liệu khảo sát, Đoàn kiểm tra nhận định: Tại hồ số 2 và hồ số 3, sau 4 giờ theo dõi, không phát hiện sụt giảm nước trong hồ. Hồ số 4 sau theo dõi 6 giờ không phát hiện sụt giảm nước trong hồ. Hiện chưa phát hiện các đường ống khác nối để xả nước thải ra khỏi nhà máy và xuống nước ngầm.

Đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra độ an toàn tại 4 hồ chứa nước thải

Trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra đề nghị Công ty CP Mía đường Sơn La thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong Quyết định số 1879/QĐ-BTNMT ngày 13/6/2018 của Bộ TN&MT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nâng công suất Nhà máy mía đường Sơn La từ 3.000 lên 10.000 tấn mía. Thường xuyên thực hiện việc quản lý nước thải: có hồ sơ, nhật ký vận hành, tính toán cân bằng nước, kịp thời khắc phục các sự cố, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước (nếu có). Thường xuyên theo dõi, nắm bắt phản ánh các nguồn gây ô nhiễm. Theo dõi thường xuyên nguồn mó nước cây sung để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.

Qua theo dõi, tại các hồ chứa nước thải không phát hiện sụt giảm nước trong hồ
Qua theo dõi, tại các hồ chứa nước thải không phát hiện sụt giảm nước trong hồ

Ông Nguyễn Quang Thiên, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Sơn La, Phó Đoàn kiểm tra cho biết: Cũng trong hôm nay, Đoàn đã khảo sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Mai Sơn, đã kiểm tra tại 3 cơ sở chế biến sắn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đồng thời, Đoàn đã lấy mẫu nước mặt tại mó nước cây sung (tiểu khu 5 thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn); giếng nước của hộ dân tại tiểu khu 32, xã Cò Nòi; và nước mặt tại bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, để xác định tình trạng ô nhiễm nước ngầm, nước mặt trong khu vực này. Qua đây, chúng tôi sẽ có giải pháp đề xuất UBND tỉnh để ngăn chặn, giảm thiểu tất cả các nguồn gây ô nhiễm.

Được biết, từ khi nhận được phản ánh của người dân về ô nhiễm nguồn nước mó gốc sung, Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT đã nhiều lần tiến hành khảo sát, xác minh nguyên nhân. Đã rà soát, kiểm tra công tác xử lý nước thải tại Công ty CP Mía đường Sơn La. Về phía các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo về môi trường đã ngừng sản xuất. Đến thời điểm này, tại mó nước gốc sung, nước đã dần trong trở lại, diễn biến tốt đẹp hơn.

Đoàn kiểm tra làm việc tại Công ty CP Mía đường Sơn La
Đoàn kiểm tra làm việc tại Công ty CP Mía đường Sơn La

“Tuy nhiên, do nền địa chất khu vực này chủ yếu là hang caster, nên khi có ô nhiễm nước không xử lý triệt để đều có nguy cơ gây ô nhiễm nước ngầm. Do đó, việc đánh giá chính xác nguồn gây ô nhiễm để tách bạch ra là khó. Chúng tôi phải đánh giá một cách tổng thể, loại trừ dần các nguyên nhân, những cơ sở không đảm bảo phải đình chỉ hoạt động hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm. Song song đó, theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước khi đã tăng cường công tác quản lý để đánh giá” – ông Nguyễn Quang Thiên cho biết.

Về phía Nhà máy đường Sơn La, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Song, đơn vị này cũng từng gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm trước. Hiện nay, việc thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp công suất từ 3.000 lên 10.000 tấn mía/ngày và một số thủ tục hành chính về kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Do đó, vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị.