Sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Tin tức - Ngày đăng : 12:23, 04/04/2019
Các địa phương phải báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn
Nhằm triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ, đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt, đối với chất thải rắn sinh hoạt, Tổng cục Môi trường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc (Kế hoạch).
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; các hồ sơ môi trường được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt như: Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường...; là sự phù hợp với quy hoạch của địa điểm cơ sở xử lý; công suất thiết kế so với lượng chất thải tiếp nhận thực tế. Bên cạnh đó là phương pháp, công nghệ, công suất xử lý đang áp dụng; xuất xứ của công nghệ; đơn giá đang áp dụng đối với từng phương pháp xử lý; hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt, đối với các lò đốt chất thải (thông qua việc lấy mẫu, phân tích để đánh giá, dự kiến lấy các mẫu khí thải, nước thải và chất thải rắn); quy trình công nghệ, quy trình vận hành các thiết bị (tự động hay thủ công); vệ sinh công nghiệp liên quan đến công nghệ xử lý; các chính sách, hỗ trợ của địa phương đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, Đoàn Công tác sẽ lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt, đối với các lò đốt chất thải (bao gồm cả phân tích Dioxin/Furan) (sẽ được quyết định trong quá trình khảo sát, đánh giá tại cơ sở). Đồng thời, để đảm bảo tính chính xác, khách quan, việc lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường sẽ được thực hiện bởi 2 đơn vị độc lập.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường đưa vào danh sách kiểm tra, đánh giá những địa phương đang quản lý tốt vấn đề chất thải, các địa phương lớn nhưng hiện đang tồn tại bất cập trong quản lý; các tỉnh nhỏ hiện đang quản lý tốt hoặc đang khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn; các địa phương có các cơ sở xử lý chất thải là điểm nóng về môi trường; các cơ sở thiêu đốt có kiểm soát khí thải và không có biện pháp khí thải; các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và chôn lấp không hợp vệ sinh… Ngoài ra, việc lựa chọn cũng căn cứ vào đặc điểm của các vùng miền.
Để triển khai Kế hoạch và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý, Bộ TN&MT đã yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn để bước đầu nắm bắt thông tin tổng quát.
Dự kiến kiểm tra 51 cơ sở xử lý CTRSH
Tại cuộc họp triển khai Kế hoạch đầu tuần qua, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (đơn vị được giao xây dựng báo cáo Kế hoạch) cho biết, công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá dự kiến được triển khai trên toàn quốc trong khoảng thời gian 2 tháng. Trong đó, Tổng cục Môi trường sẽ triển khai 4 Đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá 51 cơ sở xử lý CTRSH trên phạm vi 25 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là các cơ sở xử lý chất thải có công suất lớn, công nghệ điển hình hoặc các địa phương có những vấn đề nổi cộm về quản lý chất thải. Các cơ sở xử lý chất thải khác sẽ do Sở TN&MT kiểm tra, đánh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng cục Môi trường cần giao cho Vụ Quản lý chất thải xây dựng báo cáo chi tiết, tập trung vào các đối tượng trọng tâm như: Các cơ sở có hồ sơ môi trường, các lò đốt rác có khối lượng xử lý lớn; chia các đoàn thành các tổ công tác rà soát, đánh giá công tác quản lý CTRSH. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đề nghị UBND tỉnh/thành phố báo cáo các nội dung chính như số lượng CTRSH phát sinh, thu gom và xử lý; số lượng CTRSH được thu hồi, tái chế và phân loại tại nguồn; các cơ sở xử lý CTRSH, bãi chôn lấp; việc tuân thủ quy hoạch về xử lý CTRSH; các công nghệ xử lý CTRSH đã triển khai trên địa bàn; các đơn vị được giao thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, trong báo cáo, Vụ Quản lý chất thải cần bổ sung chi tiết các nội dung làm việc của Tổng cục Môi trường với Cơ quan chức năng của UBND tỉnh/thành phố liên quan đến cơ chế, chính sách, đầu tư, quy hoạch về quản lý CTRSH; việc thu gom, vận chuyển, phân loại rác tại nguồn của địa phương; phân chia quy mô các cơ sở xử lý, bãi chôn lấp theo các cấp tỉnh, huyện, xã tương ứng với các đoàn rà soát, đánh giá, trong đó, phân cấp rõ cấp do Tổng cục Môi trường thực hiện, cấp do cấp tỉnh thực hiện để nâng cao hiệu quả của quá trình rà soát, đánh giá công tác quản lý Nhà nước về CTRSH trên phạm vi toàn quốc.