Đà Nẵng: Triển khai phân loại rác thải rắn trên toàn thành phố

Tin tức - Ngày đăng : 13:04, 05/04/2019

(TN&MT) - Để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên toàn thành phố, năm 2019, Đà Nẵng sẽ dành hơn 224 tỷ tập trung vào các hạng mục mua sắm dụng cụ tuyên truyền, túi đựng, thùng đựng, bảng hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tập huấn, đầu tư các trạm trung chuyển rác tập trung kết hợp công năng phân loại.
Bãi rác Khánh Sơn đang quá tải không thể tiếp nhận rác nếu không phân loại rác tại nguồn
Bãi rác Khánh Sơn đang quá tải không thể tiếp nhận rác nếu không phân loại rác tại nguồn

Cụ thể, từ tháng 3/2019 tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phân loại CTRSH tại nguồn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố; tổ chức khảo sát, điều tra, xây dựng phương thức phân loại chi tiết, mua sắm thiết bị, vật tư thực hiện phân loại, cũng như chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Dự kiến tháng 7/2019 sẽ triển khai phân loại CTRSH tại cộng đồng trên địa bàn quận Hải Châu; các quận, huyện còn lại tổ chức triển khai từ tháng 9/2019.

Trong đó lưu ý, đối với nhóm CTRSH tái chế, tái sử dụng, ngoài các thành phần tái chế đã quy định, khuyến khích việc phân loại chi tiết, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị; sau năm 2023, thành phố xem xét phân loại các thành phần cao su, nilon, thủy tinh... Đối với nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải vật liệu xây dựng, khuyến khích UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện phân loại thu gom phù hợp với điều kiện tại địa phương; thành phố sẽ hướng dẫn và triển khai phân loại sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 trạm trung chuyển CTRSH của thành phố. Đối với nhóm CTRSH còn lại, khuyến khích UBND các quận, huyện, các sở, ngành, tổ chức đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý thêm các thành phần khác như thực phẩm quá hạn, thức ăn thừa, chất thải hải sản… phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng,với tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một tăng dẫn đến lượng CTRSH của thành phố tăng nhanh qua từng năm. Hiện nay CTRSH trên địa bàn thành phố khoảng 1.000 tấn/ngày. Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự báo lượng chất thải rắn của thành phố đến năm 2025 khoảng trên 1.800 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng trên 2.400 tấn/ngày và đến năm 2040 khoảng trên 3.000 tấn/ngày. Hầu hết, CTRSH phát sinh của thành phố đang được chôn lấp tại Bãi rác Khánh Sơn, vừa lãng phí tài nguyên vừa làm tăng nhu cầu bố trí diện tích chôn lấp, hình thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm qua. Đồng thời, chi phí thu gom và xử lý chất thải rắn cũng tăng theo, đặc biệt chi phí xử lý lượng nước rỉ rác, mùi hôi, khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp.

Theo tính toán, khối lượng chứa rác còn lại tại các hộc chôn lấp rác bãi rác Khánh Sơn là 314.400 tấn, sử dụng được khoảng 9 tháng. Nếu không lập tức triển khai các giải pháp xử lý, bãi rác Khánh Sơn sẽ không thể tiếp nhận thêm rác thải từ tháng 9/2019. Để xử lý tình trạng này, trước mắt, sở đề xuất phương án nâng cao trình, tăng tỷ trọng đầm nén từ 0,6 lên 0,8 tấn/m3 đối với 5 hộc chôn lấp rác đang sử dụng. Phương án này sẽ tăng khối lượng chứa rác còn lại của các hộc chôn lấp rác hiện nay lên 943.200 tấn, tương đương với khả năng tiếp nhận đến tháng 2/2021.

Dự kiến tháng 7/2019, sẽ triển khai phân loại CTRSH tại cộng đồng trên địa bàn quận Hải Châu, các quận, huyện còn lại tổ chức triển khai từ tháng 9/2019
Dự kiến tháng 7/2019, sẽ triển khai phân loại CTRSH tại cộng đồng trên địa bàn quận Hải Châu, các quận, huyện còn lại tổ chức triển khai từ tháng 9/2019

Trong khi đó các dự án liên quan đến xử lý rác thải như: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt; dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn; dự án Nâng cấp nhà máy xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn… đến nay vẫn chưa hoàn thành để sử dụng, dẫn đến tình trạng báo động về rác thải trên toàn thành phố.

Việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý chất thải rắn của thành phố, phù hợp với chiến lược quốc gia, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị; giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý chất thải rắn như giảm diện tích bãi chôn lấp, giảm chi phí xử lý khối lượng chất thải rắn cần xử lý, đồng thời tận dụng được các loại chất thải rắn khác thông qua các hoạt động tái sử dụng, tái chế.

Theo kế hoạch, chất thải rắn sinh hoạt thành phố được phân loại thành 4 nhóm chính: CTRSH tái chế, tái sử dụng, gồm các thành phần như giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại; CTRSH có thành phần nguy hại như pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện; CTRSH có kích thước lớn, cồng kềnh, chất thải vật liệu xây dựng; CTRSH còn lại, từ sinh hoạt, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ CTRSH được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12%, và 15% vào năm 2025, góp phần giảm áp lực về chôn lấp CTRSH trên địa bàn thành phố, hoàn thành tiêu chí về tái sử dụng, tái chế CTRSH mà thành phố đã đề ra tại đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.

Giai đoạn năm 2020-2022 sẽ tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện kế hoạch phân loại; triển khai phân loại nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải xây dựng; đồng thời tổ chức đánh giá sơ kết kế hoạch phân loại CTRSH của thành phố. Giai đoạn năm 2023-2025, tiếp tục triển khai, hoàn thành kế hoạch phân loại CTRSH; tổ chức đánh giá tổng kết kế hoạch, xây dựng kế hoạch giai đoạn mới.