Danh lục Xanh IUCN – tiêu chuẩn toàn cầu mới cho các khu bảo vệ và bảo tồn
Tin tức - Ngày đăng : 12:03, 26/03/2019
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Các giải pháp cho Khu bảo vệ phục vụ Đa dạng Sinh học và Biến đổi Khí hậu” do IUCN thực hiện với nguồn vốn tài trợ từ Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) nhằm thực hiện Kế hoạch Chiến lược của Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) và xây dựng các nghiên cứu điển hình thông qua bộ tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN.
Hội thảo tập trung thảo luận về những loại hình quản trị hiện có tại các khu bảo vệ ở Việt Nam; khó khăn, thách thức và cơ hội để thừa nhận và hỗ trợ nhân rộng các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý và giới thiệu Danh lục Xanh các khu Bảo vệ và bảo tồn của IUCN.
Theo IUCN, chính phủ Việt Nam đã chú trọng việc xây dựng hệ thống khu bảo vệ với việc thành lập rừng cấm đầu tiên của quốc gia tại Cúc Phương vào năm 1962, đến nay đã có 168 khu rừng đặc dụng bao gồm: 33 vườn quốc gia; 59 khu vực dự trữ thiên nhiên; 13 khu bảo tồn loài; 9 khu dự trữ thiên nhiên; 54 khu bảo vệ cảnh quan. Ngoài các Khu bảo tồn (KBT) thuộc hệ thống rừng đặc dụng, còn có 16 KBT biển, 45 vùng nước nội địa và nhiều vùng đất ngập nước quan trọng khác đã được đưa vào quy hoạch, vận hành và đang góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước.
Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công; có thể điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương của mọi quốc gia và khu vực; một cam kết tự nguyện mà bất cứ loại hình khu bảo vệ nào cũng có thể tham gia; một quy trình đánh giá được đảm bảo độc lập, có độ tin cậy cao; là sự thừa nhận toàn cầu đối với các khu bảo vệ và cán bộ của các khu bảo vệ.
Tuy nhiên, nỗ lực này là chưa đủ và rõ ràng cần có thêm các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học nằm ở ngoài hệ thống các khu bảo tồn chính thức của Nhà nước như: các khu rừng thiêng do cộng đồng người dân quản lý bảo vệ; các sáng kiến lâm nghiệp cộng đồng hiệu quả khác. Trong hội thảo ngày 26/3, IUCN sẽ tập trung bàn về cải thiện quản trị trong các khu bảo vệ, tập trung nhiều các khu nằm ngoài hệ thống chính thống của Nhà nước.
Trong khi đó, chủ đề của ngày 27/3 sẽ tập trung vào Danh lục Xanh các khu Bảo vệ và Bảo tồn. Mục đích chính của Danh lục Xanh IUCN là khuyến khích, tạo động lực và cho phép các nhà lãnh đạo các khu bảo tồn tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu để thực hiện thành công các kết quả bảo tồn, đồng thời khuyến khích chia sẻ bài học kinh nghiệm và các cách tiếp cận.
Bộ tiêu chí của Danh lục xanh gồm 4 hợp phần: quản trị tốt; thiết kế; lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả, và có các kết quả bảo tồn thành công. Một nhóm các chuyên gia quốc gia (EAGL) và chuyên gia đánh giá độc lập sẽ hỗ trợ và đánh giá tiến độ các nhà quản lý, nhân viên và đối tác của các khu bảo tồn thực hiện các mục tiêu bảo tồn kết hợp với các mục tiêu về xã hội và kinh tế.
Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Danh lục Xanh IUCN từ năm 2016 sau khi Vụ Bảo tồn Thiên nhiên - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chính thức ủng hộ bộ tiêu chuẩn. Cho đến nay, bốn khu bảo vệ đã đăng ký tham gia chương trình bao gồm Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, VQG Cát Tiên và VQG Pù Mát. |