Hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét Nậm La – Nậm Pàn: Phục vụ hiệu quả công tác PCTT&TKCN

Tin tức - Ngày đăng : 12:21, 23/03/2019

(TN&MT) - Là hệ thống đầu tiên trong ngành khí tượng thủy văn sử dụng công nghệ và thiết bị đo, truyền tự động, sau 18 năm đi vào hoạt động, Hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét Nậm La – Nậm Pàn do Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Tây Bắc quản lý, khai thác và sử dụng đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Các đợt mưa, lũ trên lưu vực sông Nậm La, Nậm Pàn đã được dự báo kịp thời và chính xác, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trong các đợt lũ trên lưu vực.
Cán bộ Đài KTTV khu vực Tây Bắc kiểm tra thiết bị tại Trạm đo mưa cầu 308
Cán bộ Đài KTTV khu vực Tây Bắc kiểm tra thiết bị tại Trạm đo mưa cầu 308

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Sau trận lũ lịch sử ngày 27/7/1991, trên suối Nậm Pàn, huyện Mai Sơn, và Nậm La, thành phố Sơn La, đã gây ra nhiều thiệt hại, làm 37 người chết, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng của nhà nước và nhân dân tại vùng lũ xảy ra đã bị phá huỷ.

Năm 1998, Tổng cục KTTV – Bộ TN&MT đã triển khai xây dựng Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La, Nậm Pàn để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ quét cho thành phố Sơn La và thị trấn Mai Sơn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Ngoài các yêu cầu trên, mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La - Nậm Pàn còn nhằm rút kinh nghiệm trong việc từng bước hiện đại hoá công nghệ quan trắc, truyền tin theo hình thức tự động để phục vụ công tác theo dõi diễn biến về mưa, lũ; kịp thời ra các bản tin cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét.

Hệ thống được triển khai năm 1999- 2000, chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2001 do Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương chủ trì, Đài KTTV khu vực Tây Bắc phối hợp triển khai và tiếp nhận quản lý, khai thác sử dụng.

Trạm thủy văn cầu 308 thuộc Hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét Nậm La – Nậm Pàn
Trạm thủy văn cầu 308 thuộc Hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét Nậm La – Nậm Pàn

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó trưởng phòng Mạng lưới trạm và thông tin KTTV – Đài KTTV khu vực Tây Bắc cho biết: Nếu như dùng con số để so sánh, trận lũ ngày 26/9/2008, lũ quét đã xảy ra đồng thời tại nhiều nơi thuộc thành phố Sơn La và thị trấn Mai Sơn; mực nước đỉnh lũ tại thành phố Sơn La ở cấp báo động khẩn cấp, mực nước đỉnh lũ tại trạm thủy văn Hát Lót - thị trấn Mai Sơn tương đương đỉnh lũ ngày 27/7/1991. Các bản tin về tình hình mưa, lũ do Đài cung cấp kịp thời và chính xác nên thiệt hại về người, tài sản đã giảm đến mức thấp nhất; cả hai lưu vực số người bị chết 05 người (trong đó, 2 người chết do sạt lở đất đổ nhà, 03 người chết do lũ), so với năm 1991 số người chết giảm 32 người.

Năm 2018, từ ngày 28 - 30/8, trên lưu vực Nậm Pàn đã xuất hiện 01 trận lũ đặc biệt lớn, với biên độ 3,57m, mực nước đỉnh lũ cao nhất đo được 517,28m xuất hiện lúc 16h40 ngày 30/8 và ở mức vượt ngưỡng mực nước lũ lịch sử tháng 9/2008 (516,77m) là 0,51m. Cũng nhờ hệ thống các trạm đo thuộc lưu vực Nậm Pàn hoạt động hiệu quả, đã cung cấp số liệu kịp thời phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai tại huyện Mai Sơn. Mặc dù xuất hiện lũ lịch sử nhưng đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản (trong đó 01 người chết do bắt cá ven suối).

Nỗ lực đầu tư, nâng cấp công nghệ quan trắc phục vụ công tác dự báo

Tại thời điểm ban đầu, Hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét Nậm La – Nậm Pàn sử dụng phương thức truyền, nhận số liệu bằng vô tuyến sóng ngắn trên băng UHF. Do đặc thù địa hình miền núi, số liệu phải truyền qua các trạm lặp Repaeter và trạm chủ Millo500; vị trí xây dựng, lắp đặt các trạm lặp Repaetter đều ở trên đỉnh núi. Do đó, Hệ thống ban đầu gồm 11 trạm đo, 4 trạm Repeatter, trạm chủ Miloos 500 và Trung tâm xử lý số liệu đặt tại khu vực Văn phòng Đài.

Đến năm 2017, được sự quan tâm của Tổng cục KTTV, Đài KTTV khu vực Tây Bắc đã thực hiện việc nâng cấp thiết bị và phương thức truyền số liệu cho 12 trạm thuỷ văn và đo mưa thuộc hệ thống các trạm đo truyền số liệu tự động lưu vực Nậm La, Nậm Pàn; sử dụng cơ sở hạ tầng các trạm hiện có để lắp đặt nâng cấp thiết bị Datalogger, đầu đo mực nước và đo mưa; chuyển đổi phương thức truyền số liệu bằng dịch vụ mạng thông tin di động GSM/GPRS thay cho hệ thống sóng ngắn UHF. Qua đó, nhằm tăng cường phục vụ công tác dự báo, chuyên môn của Đài KTTV khu vực Tây Bắc và phù hợp chủ trương tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc của ngành.

Số liệu từ các trạm thủy văn, đo mưa được đặt chế độ tự động đo, truyền số liệu 10 phút/lần về Đài KTTV Tây Bắc
Số liệu từ các trạm thủy văn, đo mưa được đặt chế độ tự động đo, truyền số liệu 10 phút/lần về Đài KTTV Tây Bắc

Bên cạnh đó, khi chuyển đổi phương thức truyền dữ liệu của hệ thống bằng mạng GSM với dịch vụ SMS/GPRS sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng thu thập thông tin và giảm được chi phí duy trì, nhân công; giảm các trạm lặp, tránh bị sét đánh hỏng thiết bị.

Hiện nay, các trạm thủy văn, đo mưa được đặt chế độ tự động đo, truyền số liệu 10 phút/lần. Hệ thống các trạm thuộc lưu vực Nậm La, Nậm Pàn đã được tích hợp bằng phần mềm khai thác số liệu tự động, cài đặt trên Website http://tramtudong.thongtinkttvtaybac.com/

“Trong năm 2019, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống, phục vụ đắc lực cho công tác PCTT&TKCN tại địa phương, trước khi vào mùa mưa lũ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ Hệ thống; chuẩn bị vật tư khắc phục sự cố đột xuất, đảm bảo hệ thống hoạt động xuyên suốt, liên tục trong mọi tình huống, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết thủy văn nguy hiểm” – ông Nguyễn Văn Nguyên thông tin.

Trong thời gian tới, để hệ thống các trạm tự động nói chung, hệ thống các trạm đo truyền số liệu tự động Nậm La, Nậm Pàn nói riêng hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả cao hơn nữa, Đài KTTV khu vực Tây Bắc kiến nghị Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV thường xuyên quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật đảm nhận được nhiệm vụ quản lý, vận hành các trạm khí tượng, thủy văn tự động. Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ 02 lần/năm, kinh phí mua sắm thiết bị thay thế thiết bị thường xuyên, đột xuất, kinh phí đường truyền, kinh phí trông coi bảo vệ trạm và có thiết bị dự phòng…