Hội thảo định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 21:36, 19/03/2019
Tham dự Hội thảo, ngoài đại diện Bộ Xây dựng, JICA, còn có các Bộ, ngành, Sở Xây dựng, Công ty môi trường đô thị các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và miền Trung, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Việt Nam cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn trong vấn đề quản lý chất thải rắn: Mỗi năm tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là gần 16 triệu tấn. Tỷ lệ CTRSH được thu gom tại các đô thị đạt 85,5%, khu vực nông thôn khoảng 40-50%. Trong đó 28,9% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ ,71,1% chôn lấp trực tiếp, còn 6 % chôn sau khi đốt, tổng lượng chôn lấp 77,5%. Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố thường trực nguy có gây ô nhiễm nước và không khí. Trong khi đó, năng lực quản lý, kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn lực tài chính cho CTR còn hạn chế.
Hội thảo này là cơ hội để chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản trao đổi, thảo luận các nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý CTR phù hợp điều kiện Việt Nam. Qua đó, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực, học tập kinh nghiệm, trợ giúp kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính trong quản lý CTR.
Các bài tham luận tại hội thảo đã tập trung vào vấn đề thực trạng quản lý và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR tại VN; phát triển năng lượng từ rác thải sinh hoạt; xu hướng phát triển công nghệ xử lý CTRSH và một số vấn đề trong tái chế ở VN; giải pháp thúc đẩy, áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực quản lý CTR và kinh nghiệm đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy xử lý CTRSH hiện đại. Ngoài ra, Hội thảo cũng giới thiệu công nghệ xử lý CTR của Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas & phân bón Quảng Bình.
Theo ông Lê Trung Trực, chuyên gia tìm kiếm, đánh giá công nghệ: Có 3 lựa chọn giải pháp công nghệ trên thế giới, đó là chôn lấp, thu hồi năng lượng và tái chế. Nghiên cứu so sánh tác động môi trường của 3 giải pháp này cho thấy, phát thải dioxit cacbon từ chôn lấp là lớn nhất ( > 1,2 tấn CO2 trên 1 tấn CTR SH), tiếp đến là xử lý cơ – sinh học (~75% chôn lấp) và ít nhất là rác - nănglượng (~20% chôn lấp). Chi phí đầu tư cho chôn lấp thấp nhất và lớn nhất là rác – năng lượng (lớn hơn chôn lấp 54%). Dựa vào các tiêu chí môi trường như tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu và sử dụng đất, phát thải khí và nước, các rủi ro thì rác - năng lượng là giải pháp thuận lợi nhất.
Ông Hideki Wada, Giám đốc Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam lưu ý, rác thải Việt Nam có độ ẩm cao, không được phân loại… do đó công nghệ xử lý CTR phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, Việt Nam đã có nhiều công nghệ xử lý CTR được giới thiệu để áp dụng như: Tận dụng khí từ bãi chôn lấp để phát điện, đốt bỏ thông thường trực tiếp, đốt tầng sôi, plasma, sản xuât viên nén năng lượng, sản xuất phân vi sinh… Nhưng đến nay, hầu hết tại các địa phương, kể cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Các địa phương và chủ đầu tư chưa lựa chọn được công nghệ nào phù hợp với rác thải sinh hoạt tại Việt Nam nên không xử lý triệt để và để phát sinh ô nhiễm thứ cấp ra môi trường. Để giải bài toán về rác thải sinh hoạt, Chính phủ cần có chế tài mạnh hơn như đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ định các công ty môi trường xử lý rác mà cần xã hội hóa công tác xử lý rác ưu tiên các công nghệ không phát sinh ô nhiễm thứ cấp và giảm khối lượng đến 85 – 90%...
Ở góc độ nhà đầu tư, bà Trần Thị Xuân Dung, đại diện Công ty TNHH Phát Triển Dự án Việt Nam (VNP) cho rằng, để thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn các địa phương cần có những chính sách ưu đãi về đơn giá xử lý rác, miễn giảm thuế, cơ chế hỗ trợ/giảm lãi suất.
Đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Công tác quản lý CTR tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức từ chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và người dân. Thời gian tới các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn, các quy chuẩn, tiêu chuẩn; Sửa đổi QCXDVN 01:2008/BXD Quy hoạch xây dựng; Tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt cấp trung ương và địa phương, cập nhật hàng năm…