Chung khát vọng xanh hóa những dòng sông: Phối hợp kiểm soát nguồn thải

Tin tức - Ngày đăng : 10:17, 14/03/2019

(TN&MT) - Với mong muốn từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sông để đưa các lưu vực sông (LVS) trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”; Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”. Thực tế, sau hơn 10 năm triển khai, việc cải thiện chất lượng nước vẫn chưa được như kỳ vọng.
Anh2


Oằn mình “cõng” nước thải

Theo kết quả quan trắc của Bộ TN&MT, nước sông, ngòi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn... Đơn cử, tại lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, trong quá trình lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân vừa qua, khi bơm nước lên nổi bọt trắng xóa như tuyết. Điều này thể hiện trong Báo cáo của Ủy ban LVS sông Nhuệ - Đáy. Theo báo cáo, các thông số ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm vi sinh trong nước cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép (QCVN 8/2008 loại B1- Loại nước cấp cho nông nghiệp). Vì vậy, từ nhiều năm nay, nguồn nước chảy theo dòng sông Nhuệ đã không còn đủ điều kiện cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của người dân dọc theo hai bên bờ sông.

Xảy ra tình trạng trên là do lưu vực sông này tiếp nhận nguồn thải quá lớn. Tổng cục Môi trường đã tiến hành điều tra được khoảng 1.982 nguồn thải đổ ra sông với tổng lượng nước thải khoảng 800.000 m3/ngày đêm. Trong đó, có 1.662 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, 39 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN), 37 cơ sở y tế , 144 làng nghề. Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất chiếm tới 60% trên toàn lưu vực, tiếp đến là Hà Nam, Nam Định và thấp nhất là tỉnh Hòa Bình.

Cùng chung số phận là lưu vực sông Cầu, mặc dù, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, môi trường nước đã có sự cải thiện so với những năm trước đó, tuy vậy, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, ở một số điểm, nước sông vẫn thường xuyên duy trì ở mức kém, hàm lượng các chất lơ lửng, COD, BOD5, hợp chất chứa Nitơ… đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (B1: nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi). Một số khu vực khác trên sông như cầu Lộc Hà (Hà Nội), cầu Song Thái, Văn Môn (Bắc Ninh) mức độ ô nhiễm hữu cơ vẫn vượt giới hạn cho phép của QCVN.

Lưu vực sông này đang phải tiếp nhận trên 4.000 nguồn thải, trong đó, 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSX, KD);  144 nguồn thải là KCN, CCN; 238 cơ sở y tế (bệnh viện); 140 làng nghề. Nước thải từ các nguồn thải này hầu hết vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực, đặc biệt, nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt. Đây là những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trên LVS Cầu.

Còn với LVS Đồng Nai chảy qua địa bàn 11 tỉnh, thành có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nhưng kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam tại 49 điểm trên hệ thống này cho thấy, nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm cục bộ. Ðiển hình, các điểm quan trắc trên sông Sài Gòn từ cửa sông Thị Tính đến hạ lưu cảng Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, nồng độ N-NH4 vượt quy chuẩn A2 và B1 của Bộ TN&MT. Nồng độ oxy hòa tan trong nước suy giảm, đặc biệt, từ điểm cửa sông Thị Tính (Bình Dương) đến hạ lưu cảng Tân Thuận cả 3 đợt quan trắc đều cho giá trị DO thấp hơn quy chuẩn cho phép. Tại sông Thị Vải, các giá trị như N-NO2 tại nhiều điểm vượt quy chuẩn B1 của Bộ TN&MT từ 1,4 - 6,4 lần; chỉ tiêu về Nitrit cũng vượt ngưỡng từ 1,4 - 6,9 lần cho phép.

Việc tiếp nhận nguồn xả thải quá lớn từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt… khiến nhiều đoạn sông trong lưu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng sông Đồng Nai, mỗi ngày phải còng lưng “cõng” 160.000 m3 nước thải từ 808 doanh nghiệp (xả thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên). Dù các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động nhưng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vẫn rất lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, nhiều hệ thống dòng sông trên cả nước đã đến ngưỡng quá sức chịu tải về ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Bộ TN&MT cùng với các tỉnh, thành liên quan đang đẩy nhanh việc điều tra, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Trong đó, Bộ sẽ đưa ra danh mục 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Từ cơ sở này, các địa phương, các ngành cần thận trọng đánh giá và xem xét kỹ lưỡng đối với việc cấp phép đầu tư, cấp phép xả thải.

Xác định 2 nội dung trọng yếu

Để bảo vệ môi trường LVS nói chung và chất lượng nước sông nói riêng, Bộ TN&MT xác định 2 nội dung trọng yếu: Đầu tiên, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông. Đối với mỗi con sông, mọi hoạt động dân sinh, kinh tế trên bề mặt lưu vực đều có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chất lượng nước. Bởi vậy, để duy trì chất lượng nước sông và ngăn ngừa ô nhiễm, vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý các hoạt động có thải nước trên lưu vực. Có hai loại nguồn thải tác động lên lưu vực sông là nguồn thải tập trung và nguồn thải phân tán.

Tiếp theo tăng cường xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các nguồn đầu tư để triển khai các nhiệm vụ, dự án có liên quan đến cải tạo nguồn nước trên lưu vực sông. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Thoát nước đô thị, xử lý nước thải đô thị và khu dân cư tập trung; cải tạo, phục hồi môi trường cho những đoạn sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng; đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế; nạo vét và khơi thông dòng chảy...

Bên cạnh đó, các chuyên gia về môi trường cho rằng, sở dĩ việc bảo vệ chất lượng nước sông chưa được như mong muốn là do thiếu các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng ô nhiễm; thiếu cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh.

Giám đốc Sở TN&MT Ðồng Nai Ðặng Minh Ðức nhấn mạnh: Giữa các địa phương vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chung để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Mỗi địa phương chỉ tính toán bảo vệ môi trường trên địa bàn của tỉnh mình, do đó, việc bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh vẫn còn nhiều hệ thống tồn tại mà không thể phối hợp thực hiện được. Vì vậy, tới đây các địa phương cần thống nhất xây dựng một kế hoạch theo dõi, quan trắc và cơ chế chia sẻ thông tin về các nguồn thải để phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, là giai đoạn tổng kết triển khai Đề án, đồng thời, mở ra giai đoạn mới trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông, các địa phương phải tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh.