Xử lý rác thải: Cần công nghệ “đặc thù” - Hành trình tìm chỗ đứng
Tin tức - Ngày đăng : 13:56, 07/03/2019
Thiếu cạnh tranh trong xử lý rác
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: Ở nước ta, công ty xử lý rác khởi nghiệp rất khó khăn bởi đến tỉnh nào cũng báo hết rác để xử lý. Đơn vị khởi nghiệp muốn lấy rác để thử nghiệm cũng không có..
Hiện, các tỉnh luôn có từ 15 - 40 hồ sơ đăng ký đầu tư với các công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, việc này khiến các địa phương rất lúng túng vì không biết chọn loại công nghệ nào. Các hội đồng thẩm định được lập ra để xét duyệt hồ sơ, tuy vậy lại thiếu tính thực tế.
Thời gian tới, Việt Nam nên có một bộ quy chuẩn quốc gia về phương pháp xử lý rác do Bộ TN&MT quản lý. Qua đó, cho phép các nhà đầu tư với các công nghệ khác nhau được tham gia cạnh tranh, với các hồ sơ chưa có nhà máy phải cho chạy thử trên nền rác thực tế của Việt Nam. Và cơ quan đến đo đếm phải làm theo tiêu chuẩn của Việt Nam chứ không theo tiêu chuẩn mà họ giới thiệu. Các thông số đo bằng máy sẽ không biết nói dối và giúp chúng ta chọn được nhà đầu tư thích hợp. Công nghệ nào vượt qua tiêu chuẩn, được chấp nhận, nếu có hai, ba công nghệ đều vượt qua tiêu chuẩn, xét đến hiệu quả kinh tế. Ai mang được nhiều sản phẩm mới, giá trị kinh tế cao hơn, điện lên lưới nhiều hơn, ai ít xả khí thải ra hơn, đơn vị đó được chọn. Làm như vậy giúp chúng ta tránh được việc trả tiền cho một dịch vụ mà không đạt yêu cầu. Tạo được động lực cạnh tranh trong chính các doanh nghiệp xử lý rác vì doanh nghiệp có thể sẽ bị loại nếu để tụt hậu.
Các địa phương từ trước đến nay đều lựa chọn nhà đầu tư để cung cấp dịch vụ xử lý rác. Tuy vậy, khi nhà đầu tư áp dụng công nghệ xử lý rác không phù hợp, lỗi thời,các địa phương này thường gặp khó khăn trong việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ vì theo Luật Đầu tư phải đền bù rất nhiều. Vì vậy, các địa phương nên áp dụng theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP về “sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích”. Nghị định này nêu rõ các địa phương hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng với các dự án có công nghệ xử lý rác không đạt cam kết ban đầu như thực tế đang diễn ra tại thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ, đồng thời, ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, việc này cũng sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đổi mới cải tiến công nghệ nếu không muốn bị thay thế.
Cần lắm những địa phương như Hưng Yên
Đối với Công nghệ điện rác và các bon organic mà ông Nguyễn Gia Long dày công nghiên cứu và đổi mới trong 20 năm qua được cho là phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Công ty TNHH Sa Mạc Xanh đã xin các tỉnh cho đầu tư nhà máy. Tuy vậy, công nghệ này mới chỉ dừng lại ở chạy thử nghiệm nên nhiều địa phương còn nghi ngờ tính thành công của công nghệ, mặt khác, các tỉnh đã có sẵn các nhà máy xử lý rác thải nên việc chấp nhận thêm một nhà máy nữa là rất khó khăn.
Trong lúc bế tắc vì không có rác thải để xử lý, may mắn thay tỉnh Hưng Yên đã mở cửa, tạo điều kiện cho Công ty TNHH Sa Mạc Xanh đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ điện rác và các bon organic. Tỉnh đã tạo điều kiện về mặt bằng sạch cho đơn vị, cho phép đơn vị xây dựng nhà máy để chạy thử nghiệm.
Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện hết sức có thể cho các doanh nghiệp lý rác rác thải. Tuy vậy, doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xử lý triệt để rác thải sinh hoạt với công nghệ điện rác. Không sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu chất lượng công nghệ không đáp ứng tiêu chuẩn, Công ty Sa Mạc Xanh sẽ tháo dỡ máy móc, hoàn trả mặt bằng sạch cho thành phố trong thời gian 3 tháng như đã cam kết.