TP.HCM: Triển khai nhiệm vụ BVMT lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020

Tin tức - Ngày đăng : 14:58, 01/03/2019

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020. Theo đó, TP.HCM sẽ gắn Kế hoạch triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 với Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
anh 1
Một khúc sông Sài Gòn (thuộc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai) trên địa bàn TP.HCM

TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành xử lý triệt để trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm trên địa bàn thành phố; tăng cường nguồn nước, đảm bảo 100% hộ dân sử dụng nước sạch; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên 40%; Đồng thời, TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thực cộng đồng, phấn đấu 80% người dân áp dụng những biện pháp BVMT đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, TP.HCM đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với sự tham gia phối hợp của nhiều sở ngành, chính quyền các cấp, gồm: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT; Nâng cao nhận thức về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và giải quyết điểm nóng về môi trường; Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường; Thu gom, xử lý nước thải đô thị đạt quy chuẩn môi trường; Thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, xây dựng và hoàn thiện Khu xử lý chất thải rắn; Tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh.

Trong đó, Sở TN&MT TP.HCM là cơ quan đầu mối theo dõi,  đôn đốc việc triển khai Kế hoạch này, có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các Quyết định đã được phê duyệt; Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; tiếp tục rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Sở TN&MT có trách nhiệm thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường chất lượng nước mặt sông Sài Gòn - Đồng Nai và các kênh rạch trên địa bàn thành phố. Mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu cho việc theo dõi, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường. Nâng cao năng lực và phát triển Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, từng bước tự động hóa mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trong giai đoạn đến năm 2020. Duy trì, thiết lập hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau trạm xử lý tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, tránh trường hợp đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Hoàn thành Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/2000 các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố.

anh 2
Hoạt động vận chuyển hành khách trên sông Sài Gòn

Sở TN&MT TP.HCM cũng được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về BVMT, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tích hợp biến đổi khí hậu vào tất cả các chương trình tuyên truyền hiện nay của các sở, ngành, quận - huyện. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền và từng bước xã hội hóa công tác truyền thông về biến đổi khí hậu.

UBND TP.HCM cũng giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác BVMT của các doanh nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố theo dõi, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2020 và truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT.

Sở Kế  hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ mời gọi, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng đúng tiến độ các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo quy hoạch của thành phố. Kết hợp đầu tư nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo các cụm lưu vực thoát nước và áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý nước thải đô thị theo công nghệ hiện đại (kể cả cải tạo các khu xử lý nước thải đang thực hiện) với phương châm công khai, minh bạch.