Ông Dũng Lò Vôi trải lòng và muốn chung tay xử lý nước thải cho Đà Nẵng
Tin tức - Ngày đăng : 16:44, 01/03/2019
Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Huỳnh Uy Dũng trải lòng, mọi người hay gọi tôi là Dũng Lò Vôi; nhưng tôi tự hào xem mình là người con nông dân xứ sở Bình Định miền Trung chân chất siêng năng. “Lập nghiệp tại đất Bình Dương, tôi xem nơi này như quê hương thứ hai của mình. Tôi cảm ơn tất cả, từ chính quyền, từ người dân, người thân của tôi; đã cho tôi niềm tin và sức mạnh để vượt bao sóng gió, để có được những gì tôi có ngày hôm nay”- ông Huỳnh Uy Dũng nói.
“Tôi cảm ơn con người, cảm ơn cuộc đời, và càng không quên cảm ơn mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta sự sống. Sự sống đó có trong không khí, trong đất, trong nước... là nguồn tài nguyên quý báu chúng ta đang hưởng thụ. Canh cánh với việc làm sao để giữ gìn nguồn tài nguyên quý báu đó, tôi đã cùng đội ngũ kỹ thuật ngày đêm tìm tòi nghiên cứu.
Và bằng niềm tin, bằng sự thương yêu tự đáy lòng, chúng tôi đã tìm ra được giải pháp giữ gìn nguồn nước bằng phương pháp xử lí vi sinh. Chúng tôi đã thử nghiệm đầu tiên tại Bình Dương, và nếu được niềm tin, lòng thương yêu của quý vị, chúng tôi mong ước được thực hiện việc xây dựng nhà máy xử lí nước thải bằng vi sinh trên phạm vi cả nước Việt Nam. Tôi thiết tha mong đợi niềm tin yêu của quý vị đối với chúng tôi”- ông Huỳnh Uy Dũng trải lòng.
Để mong muốn được đầu tư cho Đà Nẵng một nhà máy xử lý nước thải mang tầm cỡ để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước thải, ông Huỳnh Uy Dũng tiếp tục bày tỏ: “Và Đà Nẵng là nơi thứ hai, tôi tiếp tục gắn bó và đầu tư. Tôi yêu mến những vẻ đẹp thiên nhiên, con người Đà Nẵng và tôi trân trọng những định hướng mang tầm chiến lược của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một Thành phố môi trường”.
Qua nghiên cứu thực tế, ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng để hoàn thành mục tiêu mang tính tiên phong, bền vững nêu trên, cần sớm giải quyết những vấn đề tồn tại của môi trường thông qua các dự án khả thi trên cơ sở quy hoạch tổng thể và một nguồn lực đầu tư rất lớn.
Ông Dũng cho rằng, xã hội hóa để huy động nguồn lực từ xã hội đầu tư vào hệ thống hạ tầng (ưu tiên về xử lý môi trường) là phù hợp. Vì việc đầu tư các dự án liên quan đến môi trường sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao như những lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, với ông Huỳnh Uy Dũng: “Sau một thời gian dài hoạt động kinh doanh, đến nay tôi có tâm nguyện cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội thông qua những sản phẩm công trình dự án mang tính đại chúng lâu dài bền vững không đặt nặng về tính hiệu quả kinh tế. 30% lợi nhuận của Công ty Hằng Hữu Huỳnh để làm công tác từ thiện và 10% lợi nhuận phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học môi trường (về nước thải, rác thải, khí thải và nông nghiệp công nghệ cao)”- ông Dũng tâm tư.
Theo ông Huỳnh Uy Dũng, công ty đã tiên phong trong nghiên cứu lĩnh vực xử lý nước thải thành nước sạch và cung cấp nước sạch để phục vụ sản xuất; chúng tôi khẳng định có một nguồn lực lớn về tài chính, sẵn sàng đáp ứng để triển khai một cách đồng bộ; ngoài ra, công nghệ cũng là yếu tố quyết định đến giá thành dịch vụ, tổng mức đầu tư của dự án.
“Những giải pháp để xử lý nước thải của chúng tôi không chỉ dừng lại câu chuyện xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt mà gắn với hiệu quả khai thác nguồn nước, tái sử dụng nguồn nước đã được xử lý thành nước sạch để cung cấp lại cho sản xuất nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên nước.
Chúng tôi đã khảo sát các cống xả tại Đà Nẵng cũng như biết được những đe doạ về nước thải với du lịch Đà Nẵng. Tôi hi vọng có thể biến những nước thải đó thành nước sạch để du khách có thể tắm được, trả lại bãi biển đẹp cho thành phố” - ông Dũng nói thêm.
Ông Dũng dự kiến đầu tư 10 nghìn tỉ đồng vào dự án xử lý nước thải trên cả nước, tuy nhiên, tại toạ đàm này, ông cho biết sẽ dồn nguồn lực vào Đà Nẵng trước nhất rồi mới đến các địa phương.
Kết thúc bài phát biểu của mình, mọi bày tỏ mong muốn và tâm niệm của ông Dũng Lò Vôi với mẹ thiên nhiên, với Đà Nẵng được ông gói gọn trong mấy dòng thơ: “… Tài nguyên nước chẳng dư thừa/ Dùng sao vừa đủ… lại vừa nhân văn”.