Sơn La tăng độ che phủ rừng nhờ cây ăn quả

Tin tức - Ngày đăng : 21:32, 19/02/2019

(TN&MT) - Nhận thức rõ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tới hết năm 2018, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt hơn 57.000ha. Cây ăn quả đã và đang giúp bà con Sơn La xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đồng thời, tăng độ che phủ đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Đời sống người dân Sơn La khởi sắc nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Đời sống người dân Sơn La khởi sắc nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Làm giàu trên những vùng đất khó

Nếu như năm 2016, trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chỉ có khoảng 1.800ha cây ăn quả, với những mảng đồi trơ trọi, những lớp đất bị xói mòn vì tập quán canh tác ngô, lúa nương của người dân. Thì nay, khi đến với Mai Sơn, ấn tượng đầu tiên chính là những diện tích đất đồi đã được phủ xanh trở lại bởi những vườn xoài, nhãn, bưởi...

Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ năm 2016, huyện Mai Sơn đã tập trung chuyển đổi một số diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Nhờ đó, tới nay, toàn huyện có khoảng 6.400ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt trên 11.000 tấn. Dự kiến, năm 2019, sẽ tiếp tục nâng diện tích này lên 7.600ha; sản lượng phấn đấu đạt trên 28.000 tấn.

“Trước đây, 1ha ngô chỉ cho thu nhập khoảng 30-40 triệu thì giờ đây, chuyển sang trồng chanh leo, người dân thu nhập tăng gấp 10 lần, khoảng 300 triệu/ha. Không chỉ giúp người dân vươn lên làm giàu, việc phát triển cây ăn quả góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo khí hậu ôn hòa cho người dân, giảm lũ lụt, hạn hán vì trồng cây góp phần cải thiện chất đất. Vừa qua, huyện Mai Sơn cũng bị thiệt hại nặng do thiên tai, trong đó những địa phương bị ảnh hưởng lũ, sạt lở nặng nhất như Tà Hộc, Nà Ớt, Phiêng Pằn… thì chủ yếu vẫn là trồng ngô, lúa nương. Còn các xã khác phát triển cây ăn quả mạnh thì hạn chế hơn việc sạt lở” – ông Cầm Văn Thắng thông tin.

Hàng nghìn ha đất dốc ở Sơn La từng trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô, giờ đã được phủ xanh bằng cây ăn quả
Hàng nghìn ha đất dốc ở Sơn La từng trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô, giờ đã được phủ xanh bằng cây ăn quả

Đã từng là một trong 62 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, giờ đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phù Yên, nhờ phát triển cây ăn quả, đời sống người dân đang ngày càng khởi sắc.

Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Yên cho biết: Triển khai Đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2020, huyện Phù Yên đã tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ diện tích đất dốc hiện đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để tiến hành quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Qua đó, những năm qua, công tác phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Hiện nay toàn huyện có trên 452,38 ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam, quýt, bưởi… Cây cam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều hộ gia đình trồng cam có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng cam.

Tăng độ che phủ rừng, giảm nguy cơ thoái hóa đất

Theo Quyết định 3155/QĐ-UBND ngày 8/12/2017, của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt kết quả Điều tra thoái hóa đất lần đầu trên địa bàn tỉnh, có tới 777.688ha/1.264.068ha đất trên địa bàn tỉnh bị thoái hóa, chiếm 61,52% tổng diện tích điều tra. Một trong những giải pháp để giảm thiểu thoái hóa đất được tỉnh Sơn La đưa ra chính là đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc, hạn chế phát rừng làm nương rẫy, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp; đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới rừng trên các khu vực có độ dốc cao.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Thời điểm những năm 2015 trở về trước, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 150.000-180.000ha ngô khiến đất bị xói mòn, hoang hóa. Từ năm 2015 trở lại đây, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch phát triển cây ăn quả, các chính sách hỗ trợ hộ gia đình cải tạo vườn tạp, chính sách hỗ trợ phát triển cho các HTX, doanh nghiệp, trồng chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả… Từ đó, tạo ra các vùng chuyên canh lớn như xoài, nhãn, na, sơn tra… Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2018, trong đó có đóng góp quan trọng của cây ăn quả đạt hơn 100.000 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV đề ra đến năm 2020.

Người dân Sơn La chăm sóc vườn cây ăn quả
Người dân Sơn La chăm sóc vườn cây ăn quả

“Không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân Sơn La, việc đưa cây ăn quả vào trồng trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng giảm mạnh đất trống đồi núi trọc, giảm xói mòn, rửa trôi của đất, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ trong canh tác cây lương thực. Tăng khả năng phòng hộ, sinh thủy cho các sông, suối và các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh” – ông Trần Dũng Tiến khẳng định.

Theo số liệu thống kê từ ngành NN&PTNT, hết năm 2018, diện tích trồng cây ăn quả trên toàn tỉnh Sơn La đạt hơn 57.000ha; dự kiến hết năm 2019 con số này đạt khoảng 81.000ha và sẽ tăng lên 100.000ha vào năm 2020. Trong đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 25.000ha diện tích đất dốc canh tác cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, để tăng giá trị và tăng khả năng phòng hộ diện tích đất dốc của tỉnh.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà Sơn La đang trăn trở, đó là với cây ăn quả lâu năm trồng trên đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp có độ dốc cao, chưa được các cơ quan Trung ương công nhận tính năng phòng hộ như các cây lâm nghiệp. Trong khi thực tế, cây ăn quả trên đất dốc với tỉnh miền núi như Sơn La với khoảng 80% là đất đồi núi dốc thì yếu tố phòng hộ của cây ăn quả là thực tế và hiệu quả.

“Tới hết năm 2018, độ che phủ rừng của Sơn La đạt khoảng 44%, trong đó, mới chỉ có diện tích trồng sơn tra được tính vào độ che phủ. Theo đánh giá của ngành NN&PTNT Sơn La, tới năm 2020, với diện tích 100.000ha cây ăn quả, thì có khoảng 40-50% là cây ăn quả lâu năm. Nếu như diện tích này được công nhận vào độ che phủ rừng, sẽ góp phần nâng độ che phủ rừng trên toàn tỉnh tăng thêm từ 2-3%” – ông Trần Dũng Tiến thông tin.

Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm qua đã cho thấy những hiệu quả rất thiết thực. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh mở rộng hợp tác để mở cửa các thị trường nông sản nói chung và sản phẩm quả nói riêng ra các nước, để đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mở rộng diện tích trồng mới, góp phần tăng độ che phủ trong thời gian tới.

Đặc biệt, xem xét công nhận cây ăn quả lâu năm trồng trên đất dốc, đất lâm nghiệp được tính vào độ che phủ và được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng. Có chủ trương lồng ghép một tỷ lệ cây ăn quả phù hợp vào Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, để tăng độ che phủ, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.