Tây Bắc... mờ sương
Tin tức - Ngày đăng : 23:26, 04/02/2019
Đông trên rẻo cao
Vùng cao mùa này sương bay như mưa bụi. Anh bạn tôi đi cùng kêu lên thảng thốt: “Kìa! Yêu quái về!” rồi phá lên cười tinh nghịch. Ấy là khi sương ùa về bất chợt, kín ngập lòng thung; người phía trước cách người phía sau vài mét cũng khó nhận ra nhau. Trời xam xám màu chì, gió cài răng lược, vun vút kèm theo hơi sương. Cái lạnh như càng ngấm, càng lịm tê tái. Nhưng lạnh nhất là lúc trời tan sương, đặc biệt là ở vùng núi đá, ngồi trong nhà mặc mấy lần áo mà vẫn cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương, buốt như kim châm.
Già làng tên Ún (tiếng Thái, Ún nghĩa là ấm), người Thái đen, tuổi ngoài thất thập, ở bản Co Líu, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, kể: “Sương mùa này dày hơn cả tấm chăn bông. Nói chuyện cũng thở ra sương, ra khói...”.
Tây Bắc thời điểm lạnh nhất trong ngày là ban đêm. Đêm đông trên bản vùng cao ngủ mặc nguyên cả áo len, đi mấy lần tất, co thế nào cũng không tìm thấy hơi ấm. Ngôi nhà của đồng bào Mông lúp xúp, không gian yên ắng mênh mông như rộng hơn, núi rừng càng bao la thăm thẳm. Ánh đèn dầu run rẩy trước cơn gió lạnh, lúc tối lúc sáng, lúc lịm đi, bóng đêm ùa vào ngập tràn. Mấy lần như vậy, mấy lần gần tắt, vẫn cố leo lét sáng. Văng vẳng trong đêm là tiếng âm âm, u u, xen lẫn những tiếng rít lên sắc lẹm, tiếng con chim non mơ màng choàng tỉnh giấc, líu ríu một hồi rồi im bặt. Gió lùa khắp mọi nơi, tiếng lá rừng cũng như run lên vì lạnh.
Khắp không gian xa rộng chỉ một màu trắng đục mờ... sương, những chiềng bản Thái nằm chênh vênh, nép sát vào vách núi, mây trắng bồng bềnh. Những mái nhà đá đen lô xô phả mình ra hơi nước. Bản làng yên ắng, thời gian trôi thật chậm, đồng bào vùng cao nhận biết thời gian qua tiếng gà gáy điểm canh. Tất thảy, hoang sơ, bình yên và sâu lắng.
Đêm mùa đông trên vùng núi cao dài, buồn và lạnh lắm. Cái lạnh được tuôn ra từ ruột núi, rút ruột núi nhả ra hơi lạnh, cái lạnh của sự xa vắng, cái lạnh của sự cô đơn, cái lạnh của nỗi buồn thăm thẳm... Làn gió như trăm ngàn mũi kim châm vào da thịt để rút ra từng đường gân nho nhỏ. Trong bốn mùa của trời đất, có lẽ mùa đông ở vùng cao là mùa người ta cảm nhận thấy sự thiếu thốn rõ rệt nhất. Hơi ấm trong ngôi nhà của người nghèo sao mà ít ỏi, gió lùa tứ phía.
Bếp sưởi, trên vùng núi cao hầu như nhà ai cũng có bếp sưởi đặt gần giường ngủ. Bếp sưởi được người cha gầy thêm mấy thanh củi, ánh sáng bừng lên, hơi ấm tỏa rộng hơn, ánh lửa được thổi lên bập bùng suốt canh thâu. Đứa trẻ tỉnh dậy, giật mình ôm choàng lấy mẹ khi thấy một làn sương mỏng bay sát chỗ nằm. Đến khi trời sáng, hơi lạnh yếu đi vài phần, chảo mèn mén được người đàn bà Mông bắc lên bếp, nồi canh nhạt được vùi cạnh bếp, ấm nước cũng được vùi vào cạnh bếp... Ngày mới bắt đầu từ gian bếp nhỏ, sương bay trắng đục, kết thúc một ngày cũng là bên bếp lửa vẫn là màn sương trắng đục... Như thể cả một vùng Tây Bắc... toàn sương.
Xuân ấm trên bản nhỏ
Lập xuân có năm sớm, năm muộn... thường thì độ hăm nhăm tháng Chạp trở ra. Lập xuân tiết trời ấm áp, dã quỳ hai bên đường nở hoa vàng xuộm, những bông hoa chuối rừng cũng rực lên đỏ chói. Hoa mận, hoa mơ nở bung trắng xóa... Núi rừng biếc xanh, chồi non nảy lộc. Người vùng cao cũng tươi mới hơn bởi sắc màu váy áo. Hễ Tết là họ mặc đẹp, chẳng kể giàu nghèo, bận bịu hay nhàn rỗi.
Chung với sự đổi thay của thời cuộc 4.0, có lẽ chàng Cu Tỷ năm nay không còn đeo đài xuống chợ. Thay vào đó là chiếc điện thoại Smartphone mở những bản tình ca gọi bạn bằng khèn Mông dặt dìu và tha thiết. Đường về bản hôm nay không còn người cưỡi ngựa, tất thảy đã có xe máy chở người Mông, người Dao, người Thái, Tày Nùng... đi nườm nượp. Đặc biệt là những buổi chợ phiên.
6 tỉnh Tây Bắc, từ Hòa Bình đến Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái có nét văn hóa khá tương đồng; Thái - Mường và Tày - Nùng. Nhưng điển hình hơn cả, ấn tượng hơn cả là nét văn hóa đặc trưng của Tây Bắc là dân tộc Mường, dân tộc thái Thái và đồng bào Mông, Dao. Những nét văn hóa đặc thù ấy được thể hiện nhiều trong đời sống văn hóa, đời sống tâm linh; giao thoa, hội tụ giữa các vùng lân cận, giữa các thế hệ người và các dân tộc, biểu hiện rõ rệt nhất chính là ở các buổi chợ phiên.
Chợ phiên không dành riêng cho dân tộc nào, ai thích mua cứ đến, ai thích bán gì cứ việc mang đi; lắm khi đến chợ cốt chỉ để chơi... Ngôn ngữ giao tiếp với nhau đôi khi chỉ là tín hiệu và cử chỉ phi ngôn ngữ. Nhưng tất cả đều hiểu thông điệp và ý nghĩa của hành vi. Chỉ cần nhìn vào trang phục có thể nhận ra dân tộc. Thậm chí, việc nhận biết dân tộc qua cả cách phát ngôn, qua cách bó rau hay qua các sản vật của vùng, dụng cụ của nhà.
Ở Tây Bắc, hầu như địa phương nào cũng có buổi chợ phiên, nhưng đông vui nhất vẫn là các phiên chợ cuối năm. Người người xuống chợ, đường từ bản xuống trung tâm huyện đỏ ối sắc màu váy áo, người ngựa dập dìu, xe cộ nườm nượp, nông sản bày bán tràn ra cả lề đường. Họ không vội mua, vội bán, đôi khi xuống chợ chỉ để gặp bạn chân tình mời nhau bát phở, que kem. Xuống chợ chỉ cốt để cho vui rồi về. Cuộc sống của họ dường như không có sự vội vàng và toan tính. Người vùng cao là vậy... “như cây thông mọc thẳng, nói lời yêu cũng thẳng. Tao thích mày” - (Lời bài hát: Trai rừng)
Đường chiều về bản, chàng trai Mông say khướt túm đuôi ngựa... mệt thì ngủ vệ đường, khi nào “con ma rượu có trong người mình bỏ đi thì về...”. Người đàn bà Mông nhẫn nại đợi chồng nhìn nét mặt vẫn vui tươi. Trong chiếc lu của người đàn bà Mông chỉ là cân muối, chai dầu hỏa, lưỡi cuốc, lưỡi cày, thỏi son, gương lược, vài cuộn chỉ màu, nắm bỏng ngô trộn đường mang về làm quà cho con trẻ. Với họ, đó là hạnh phúc.
Còn trong “ếp” của các chị người Thái là những tấm vải hoa mang về may áo cóm, hàng cúc bướm xinh xinh, dăm cuộn chỉ màu, vài ba thước vải đỏ... kèm theo chai rượu đón chồng. Riêng chị người Xá thì dẫu sang hèn, mua sắm nhiều ít cũng phải có gói thuốc lào để vợ chồng hút cho xả láng... trong 3 ngày Tết.
Tất thảy đều xuất phát từ nhu cầu sống của đồng bào vùng cao Tây Bắc, nhưng rõ ràng có những nét văn hóa đặc trưng riêng; từ việc mua bán đến nhu cầu hưởng thụ.
Vùng cao bây giờ đang chính mùa dã quỳ nở. Khắp cung đường Tây Bắc đâu đâu cũng thấy màu hoa này vàng xuộm; một màu vàng trù phú. Ai lên Tây Bắc mùa này ngắm sương bay, cùng đồng bào nắm tay trong vòng xòe ngày hội mùa xuân. Hẳn rất tuyệt vời và thú vị.