Một mùa xuân nho nhỏ...

Tin tức - Ngày đăng : 01:38, 05/02/2019

(TN&MT) - “Năm nay 75 tuổi, con cháu bảo nghỉ ngơi, nhưng khi tham gia các hoạt động xã hội, tôi lại thấy mình thêm khỏe khoắn”.
bac Thu 1


Ông Nguyễn Xuân Thu - nguyên Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ với chúng tôi như vậy về hành trình hơn mười năm qua, ông miệt mài với công tác Hội Người cao tuổi cùng những phong trào thiết thực để bảo vệ môi trường…

Chúng tôi biết về ông trong một cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành với Hội Người cao tuổi Việt Nam vào giữa tháng 10/2018. Sau khi liên lạc, ông rất, phấn khởi và bảo: “Cháu yên tâm, cứ về đây với các bác!”.

Chúng tôi về, trời Hòa Bình lất phất mưa bay…

Nhiệt tình đón tiếp chúng tôi, ông chia sẻ về quá trình công tác suốt mấy chục năm qua của mình. Thế là những trang sách cuộc đời được lật giở lại. Từ năm 1986 - 1991, ông là Phó Chủ tịch huyện Kim Bôi. Từ năm 1991, ông là Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Sơn Bình. Sau khi tách tỉnh, ông giữ chức Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình; đến năm 1994, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình. Năm 2001, ông nghỉ hưu, sau đó, từ năm 2007, ông làm Chi Hội trưởng Hội người cao tuổi phường Phương Lâm. Năm 2008, ông làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Thịnh cho đến nay.

Hơn 10 năm gắn bó với công tác của Hội Người cao tuổi, ông bảo: “Làm việc là cách để mình cảm thấy minh mẫn, khỏe mạnh hơn. Bởi vốn con người tôi, từ thời thanh niên đã ham thích các hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao, công đoàn nên đã quen làm việc”.

Tư duy sáng, hành động nhanh, quyết liệt và hiệu quả của vị lãnh đạo tỉnh một thời lại tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.

Ban đầu, ông tập trung phát triển hội viên Hội người cao tuổi, với phương châm: Lấy hình ảnh, hoạt động của hội để thu hút người vào hội. Nhờ đó, Hội Người cao tuổi phường Tân Thịnh đã thành lập được 22 chi hội, gồm hơn 1.200 hội viên. Đây chính là lực lượng gương mẫu, đi đầu để triển khai các hoạt động xã hội, cộng đồng, trong đó, có việc bảo vệ môi trường.

Ông chia sẻ, Hòa Bình là một thành phố trẻ, đang trong quá trình kiến thiết nên nền nếp vệ sinh môi trường còn hạn chế. Trước tình hình đó, UBND, HĐND phường đã xây dựng và phê duyệt Đề án công tác vệ sinh môi trường, giao Hội Người cao tuổi thực hiện. Theo đó, Hội đã vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường và phân loại, thu gom rác thải; không chăn thả gia súc trong thành phố và chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cho đến nay, cả ba hoạt động trên đều đã triển khai thành công. Những đàn bò lớn, nhỏ đã không còn vào trong thành phố. Những khu chợ đã sạch sẽ hơn. Vỉa hè cũng không còn lộn xộn. Và đặc biệt, việc phân loại rác tại nguồn đã duy trì được hơn 5 năm.

Kể từ năm 2013, việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện thí điểm ở 3 chi hội. Đến năm 2014, triển khai trên tất cả các chi hội, ở 13 vạn dân, trong 3.000 hộ gia đình. Do địa bàn phường trải rộng, việc thu gom được chia ra thành hai hình thức là thu gom tập trung và thu gom phân tán. Với thu gom phân tán, các hộ sẽ tự bán rác có thể tái chế, số tiền thu được bà con tiết kiệm góp vào quỹ sinh hoạt.

Trực tiếp chứng kiến người dân hồ hởi mang rác đến “góp”, mới thấy phong trào phân loại rác tại nguồn ở đây đã được thực hiện nghiêm túc, tự giác, bền bỉ đến thế nào. Chính những tấm gương “tuổi cao” mà nhiệt tình vẫn đậm ấy đã giúp môi trường xanh - sạch hơn!

Dẫu đã đạt được nhiều kết quả, song trong tâm trí của nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi vẫn trở trăn về rác.

Nhà của người dân chủ yếu là nhà ống, nên việc để rác đã phân loại tại nhà cả tháng thì chưa thực sự vệ sinh. Phải làm thế nào để người dân có nơi tập kết rác tái chế riêng để không ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường.

“Sắp tới, tôi muốn phát động phong trào hạn chế sử dụng túi ni-lông. Muốn thế, phải tìm được vật dụng thay thế bằng cói hay mây tre đan. Việc này cần có chủ trương, ủng hộ từ chính quyền” - ông chia sẻ.

Cứ thế, câu chuyện của ông trôi đi…

Một sớm đông lạnh, tôi nhận cuộc điện thoại của ông Thu: “Bác muốn làm công viên cho người cao tuổi. Hội có thể lập đề án xin đất và đang nghiên cứu việc trồng cây...”.

Vậy là ý tưởng lại tiếp nối ý tưởng. Giữa mùa đông, tôi cảm thấy ấm lòng, bởi trong cuộc sống, vẫn còn rất nhiều người như ông Thu, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Mỗi người khi sống có trách nhiệm với cộng đồng chính là “Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”!