TP.HCM: Triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Tin tức - Ngày đăng : 13:14, 18/01/2019

(TN&MT) - Ngày 17/01, tại TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND TP.HCM quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
anh 1
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND, HĐND, Phòng TN&MT, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và 24 quận, huyện; lãnh đạo UBND 322 phường, xã, thị trấn toàn thành phố; đại diện các công ty dịch vụ công ích, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Đây là Hội nghị rất quan trọng để quán triệt đầy đủ, đúng tinh thần, nội dung, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, quy định của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, mỗi ngày, TP.HCM phát sinh khối lượng khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt (trung bình tăng từ 5-6%/năm). Trong đó, 69% CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20 % làm phân compost, 11% áp dụng công nghệ đốt. TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp và tăng hiệu quả cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt, như tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm dần tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20% đến năm 2025. Để làm được điều này, khâu đầu tiên là phải thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.

Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai việc phân loại CTRSH qua nhiều giai đoạn từ thí điểm một cụm dân cư hoặc 01 phường trên địa 01 quận, đến mở rộng thí điểm trên địa bàn 6 quận giai đoạn 2015-2016 và sau đó nhân rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, theo đánh giá thời gian qua, một số quận, huyện triển khai khá tốt công tác phân loại CTRSH, nhưng vẫn rất nhiều quận - huyện còn lúng túng, thực hiện không hiệu quả. Ngày 14/11/2018, UBND TP.HCM  đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại CTRSH tại nguồn. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, đưa công tác phân loại CRTSH tại nguồn vào giai đoạn toàn diện và hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh, việc triển khai phân loại CTRTN rất khó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân thành phố vì khi triển khai sẽ tác động người dân và cần có thời gian để người dân thay đổi thói quen trong thải bỏ rác hiện nay. Vì vậy, người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương phải thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, cùng với sự phối hợp, tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, chủ nguồn thải và người dân để hiểu và chuyển biến nhận thức tham gia thực hiện phân loại rác. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý cũng phải được kết nối đồng bộ thì khi đó công tác triển khai phân loại CTRSH mới thật sự đạt hiệu quả.

anh 2
Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu và lãnh đạo Sở TN&MT  đối thoại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có liên quan đến Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND thành phố quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Kế hoạch chuyển đổi hình thức hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập lên Hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và Kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của lực lượng thu gom tại nguồn,..

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Đồng thời, chất thải rắn sinh hoạt phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đồng thời, các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại khi đang hoạt động phải được dán dòng chữ nhận biết trên xe; đồng thời phải đảm bảo về an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, không rơi vãi rác thải và nước thải trong quá trình thu gom, vận chuyển.

anh 3
Các đại biểu tham quan mẫu xe thu gom rác đạt chuẩn được giới thiệu trong khuôn khổ Hội nghị

Theo UBND TP.HCM, tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định (trừ các khu vực chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình áp dụng các giải pháp phù hợp để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được xây dựng lộ trình và tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung.

Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 20, Nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định phạt tiền 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.