Tìm Tết chốn “tài nguyên”… rác
Tin tức - Ngày đăng : 16:40, 10/01/2019
Anh Nguyễn Văn Thành - người có hàng chục năm trong nghề “bám rác”, với dáng người đậm, mái tóc dày nhiều sương gió đi qua, anh cười vạm vỡ phì phèo hơi thuốc lá: “Nói bám rác cho suôn miệng, chứ tôi là cán bộ hẳn hoi và công tác lâu năm ở đây rồi”. Anh Thành tâm sự, cứ sáng sớm cơm đùm khăn gói, hành trang được người vợ chuẩn bị đầy đủ cho ngày mới nơi bãi rác này. “Nghĩ cũng buồn, tối 30 Tết đến là giây phút đoàn tụ cha mẹ, vợ con… Người ta là vậy, còn mình hiếm có đêm giao thừa nào được ở bên gia đình”- anh Thành buông lời với tôi.
Đổi lại sự mất mát vì tính chất của công việc, anh Thành mở lòng: “Nhưng vui và ấm áp chú nhà báo ạ, không hổ thẹn với đời, với người, đêm giao thừa có thể xa nhà, có thể xa người thân nhưng mình lại giúp hàng nghìn người dân sống quanh bãi rác không phải hứng chịu những mùi hôi. Cả triệu người dân được tận hưởng giây phút đêm giao thừa mà không có rác ở ngoài đường… Lượng rác cuối năm thường nhiều hơn những ngày thường, nếu không xử lý kịp thời để tồn đọng sẽ bốc mùi vào sáng mùng một Tết hôm sau”. Dù rằng, cuộc sống luôn thay đổi, nhưng với nửa đời “bám rác”, anh Thành cũng như hàng trăm công nhân khác của Công ty CP Môi trường và Đô thị Đà Nẵng đã góp một phần máu xương cho thành phố này vì môi trường xanh.
Những "cán bộ" (tạm gọi là vậy) chuyên xử lý rác như anh Thành luôn coi công việc là lẽ sống. Còn với những phận người nhặt rác ở đây thì sao. Khó có thể kể hết được nỗi vất vả, gian nan của họ, chí ít tôi gom nhặt vài ba câu chuyện, dăm bảy mảnh đời nơi triền "núi rác" mà thôi. Tiếp chuyện tôi, chị Nguyễn Thị Quỳnh (tổ 5, Khánh Sơn) kể: Tầm ba bốn giờ sáng, cả nhà đang còn ngon giấc, chị đã phải thức giấc, xuống nhà dưới lui cui chuẩn bị đồ nghề, lần mở cửa qua xóm kêu mấy chị em lên đường. Băng qua vài con hẻm ngoằn nghèo, họ đến bãi rác Khánh Sơn lúc trời vừa hửng sáng, chuẩn bị vào “ca”, bắt đầu cho một ngày nhọc nhằn “bám” rác.
Nghỉ vài phút, họ xốc tay vào trang bị “đồng phục”. Nói cho oai, chứ những thứ đồ gọi là “bảo hộ lao động” của họ chỉ là chiếc nón, cái khẩu trang, ủng và đôi găng tay thủng chỗ này, vá chỗ kia. Ở đây, trừ những người làm việc theo ca, dùng dụng cụ tự chế như móc, cào... để đào, móc rác giữa đống rác lớn mỗi lần xe đổ xuống, còn rất nhiều người như chị Quỳnh phải dùng tay bới rác. Tất nhiên, “năng suất” không cao nhưng đủ để chị kiếm mỗi ngày mấy trăm ngàn đồng.
Giữa những đống rác mỗi ngày một cao như núi, đôi bàn tay của những người phụ nữ nhặt nhạnh tất cả các thứ rác và phân loại thành từng thứ khác nhau như túi ny-lông, kim loại và giấy vào từng bao riêng. Đến trưa, khi cảm thấy hơi thở nặng hơn, mùi hôi thối càng nồng nặc, đặc quánh lại và đôi chân ngâm lâu trong rác chừng như mủn ra, họ kéo những bao tải đã đầy ứ rác xuống chân “núi” và vào nghỉ ngơi trong những mảnh bao tải rách che chắn tạm giữa bãi rác...
Để đạt đến mức “quen rồi” như thế, gần mấy trăm con người, cả “chuyên” lẫn “không chuyên” nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn này cũng đều bước qua những ngày đầu trong cảm giác ghê sợ và tâm lý “thôi thì làm vài bữa rồi nghỉ, có sao đâu”. Cái vài bữa ấy rồi kéo dài vài năm, có người đến hơn cả chục năm sống với “nghiệp” rác, kể từ ngày khai thiên lập địa của bãi rác này.
Những mảnh “đời rác” cứ thế đi sớm về khuya, đội mưa đội nắng, vẫn những cái móc, cái cào bằng sắt, vài đôi bao tay thủng cùng với những ngón tay ngày càng bợt bạt, lỗ chỗ thâm đen vì “nước ăn”. Cũng ngày ngày cúi mặt, ráng mở to con mắt dưới những cái nắng, cái rét, mồ hôi nhỏ đắng con ngươi hoặc mưa đổ xòa xuống đầu... để nhận ra đâu là đồ có thể tái chế lẫn giữa những thức ăn thừa, hôi thiu.
Trong nỗi niềm khó khăn của những mảnh đời “bám rác” đó, họ vừa đón nhận một niềm vui, như một món quà Tết sớm để họ cố gắng hơn trong cuộc sống. Đó là món quà hỗ trợ cấp kinh phí cải thiện đời sống trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 cho người nghèo, cho công nhân quét rác Đà thành này đến từ chính quyền Đà Nẵng. Cụ thể, đối với cán bộ công chức viên chức và người lao động cơ quan khối Đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc khối quận huyện thì được giao UBND các quận huyện cân đối ngân sách để hỗ trợ.
Cán bộ phường xã đã nghỉ theo quyết định 130 là 1,2 triệu đồng. Học sinh người dân tộc nội trú đã nêu trên là 270.000 đồng. Cán bộ, công chức, lao động hợp đồng, tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp là 1,2 triệu đồng. Cán bộ làm việc tại các tổ dân phố, thôn được hỗ trợ từ 750.000 - 950.000 đồng/người. Vui hơn nữa là, người lao động được phân công thực hiện nhiệm vụ vệ sinh, thu gom rác trước, trong và sau Tết nguyên đán với mức hỗ trợ một ngày là 200.000 đồng/người (hỗ trợ trong bốn ngày từ ngày 29, 30 và ngày mồng 2, 3 Tết).