Bà Rịa - Vũng Tàu: Quan tâm công tác quan trắc môi trường tự động

Tin tức - Ngày đăng : 19:14, 04/01/2019

(TN&MT) - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 12 cơ sở bắt buộc phải đầu tư trạm quan trắc tự động khí thải và 18 cơ sở phải đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải.
QUAN1
Lấy mẫu nước quan trắc tại hồ Sông Ray, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ông Lê Tuấn Kiệt - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời qian qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở chủ các nguồn thải lớn trên địa bàn thuộc đối tượng phải đầu tư trạm quan trắc tự động khí thải, nước thải theo Nghị định 38 của Chính phủ.

Từ tháng 11/2016, Trung tâm Quan trắc TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động nước thải từ trạm KCN B1- Conac. Tháng 7/2017, bắt đầu tiếp nhận dữ liệu quan tắc tự động khí thải từ trạm Công ty TNHH Thép VinaKyoei. Tính đến tháng 10/ 2018, Trung tâm đã tiếp nhận dữ liệu được 13 trạm quan trắc tự động nước thải, 16 trạm quan trắc tự động khí thải của 11 cơ sở phát thải và 06 trạm quan trắc tự động nước mặt: 03 trạm do Ngân hàng Thế giới tài trợ đặt trên sông Thị Vải, sông Chà Và và 03 trạm đặt tại các hồ cấp nước sinh hoạt hồ Sông Ray, hồ Đá Đen, hồ sông Hỏa do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư.

QUAN2
Lấy mẫu quan trắc không khí xung quanh Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Cũng theo ông Lê Tuấn Kiệt, việc giám sát việc xả thải các doanh nghiệp bằng các thiết bị quan trắc tự động trong đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; phát hiện kịp thời diễn biến chất lượng phát thải nước thải, khí thải của doanh nghiệp, khu công nghiệp, các nguồn xả thải lớn trên địa bàn tỉnh, cũng như xử lý các sự cố môi trường một cách nhanh chóng. Đồng thời, nhận thức của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường được nâng cao, đặc biệt chủ nguồn thải biết hiện trạng đang phát thải của cơ sở để kịp thời ngừng xả thải hoặc kiểm tra việc vận hành các công trình xử lý môi trường đảm bảo xả thải đạt quy chuẩn ra môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác phối hợp giữa các đơn vị khi phát hiện hành vi phát thải vượt quy chuẩn từ số liêu quan trắc tự động gặp rất khó khăn trong việc lấy mẫu, công tác phối hợp. Việc giám sát số liệu vào ban đêm rất khó khăn, đa số doanh nghiệp hoạt động đủ công suất vào ban đêm để tiếp kiệm chi phí về điện. Do đó, giám sát số liệu quan trắc tự động truyền về là không đủ, chưa hiệu quả. Nhận thức và đầu tư nhân lực, chi phí để duy trì hoạt động trạm quan trắc tự động của các doanh nghiệp chưa cao, mang hình thức đối phó. Khi gặp sự cố về thiết bị, doanh nghiệp mất nhiều thời gian để sửa chữa từ 2 - 4 tuần, khắc phục sự cố, mua sắm các thiết bị thay thế từ 8 - 16 tuần.

Để công tác quan trắc môi trường tự động các chủ nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả cao hơn, Trung tâm Quan trắc TN&MT đề xuất Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể hơn lộ trình chuyển đổi phương thức truyền nhận dữ liệu từ các định dạng cũ CSV và định dạng theo văn bản hướng dẫn tạm thời 5417. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ TN&MT ban hành quy định pháp lý, quy trình xử lý để địa phương có cơ sở xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có hành vi phát thải vượt QCVN được phát hiện bằng thiết bị quan trắc tự động.