Quảng Ngãi: Kiên quyết xử lý các cơ sở chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm

Tin tức - Ngày đăng : 21:36, 05/01/2019

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh.  Sở TN&MT tỉnh có trách nhiệm giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo về bảo vệ môi trường.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 83 trang trại chăn nuôi
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 83 trang trại chăn nuôi


Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 83 trang trại chăn nuôi, 34 trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng cây lâm nghiệp (tăng gấp 3 lần so với năm 2013). Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về mặt kinh tế, hoạt động các cơ sở chăn nuôi tập trung cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho con người, vật nuôi,… ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng phương pháp sản xuất sạch để hướng tới sự phát triển bền vững; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tập trung tại các cơ sở chăn nuôi tập trung.

Một cơ sở chăn nuôi tập trung xả thẳng nước thải ra môi trường
Một cơ sở chăn nuôi tập trung xả thẳng nước thải ra môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tập trung, cụ thể quy mô chuồng trại từ 1.000m2 trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn tiếp nhận phải thực hiện đầy đủ các thủ tục và nghĩa vụ theo đúng quy định; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo về bảo vệ môi trường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý về khoảng cách đến khu dân cư, xử lý môi trường, nguồn thải,… để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đảm bảo phù hợp theo quy định.

Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được nhắc nhở nhưng không có biện pháp khắc phục,…

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, bố trí các trang trại, khu chăn nuôi tập trung bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định lâu dài và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường phải có kế hoạch di dời đến nơi phù hợp, bảo đảm vệ sinh môi trường và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.