Nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường các bon ở Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 17:40, 26/12/2018
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Trương Đức Trí đã chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện Văn phòng Chương trình BĐKH/16-20, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, trường đại học có lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường các bon ở Việt Nam” do Ths Mai Kim Liên làm chủ nhiệm đề tài, nhằm xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và đánh giá điều kiện, khả năng xây dựng thị trường các-bon ở VIệt Nam. Thông qua đề tài, các chuyên gia sẽ đề xuất mô hình thị trường các bon phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, từ đó, đề xuất nội dung dự thảo “Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam”.
Dự kiến sau khi kết thúc đề tài, sản phẩm bao gồm các báo cáo: Luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xay dựng mô hình thị trường các bon ở Việt Nam; Đánh giá thực trạng chính sách, phương pháp định giá các-bon và công cụ quản lý Nhà nước về thị trường các-bon tại Việt Nam; Kết quả mô hình thị trường các-bon trong nước phù hợp với điều kiến kinh tế- xã hội của Việt Nam và đề xuất bộ công cụ mô phỏng hoạt động thị trường các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất xi măng, thép năng lượng, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) khi có sự tham của ngân hàng và nhà đầu tư; Dự báo xu hướng phát triển thị trường các-bon. Từ đó, xây dựng báo cáo nội dung dự thảo “Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam", trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phó Cục trưởng Trương Đức Trí đánh giá, đây là đề tài khó vì hướng tới đề xuất chính sách, có nghĩa là vừa phải đảm bảo tính khoa học vừa đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước. Về tổ chức thực hiện, nội dung nghiên cứu và xây dựng đề án thị trường các-bon là lĩnh vực liên ngành, liên Bộ, cần nghiên cứu xác định các đơn vị liên quan để phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai đề tài. Hội thảo khởi động nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về thị trường các-bon, kinh doanh tín chỉ các-bon trên thế giới và tiềm năng tại Việt Nam, cũng như gợi mở hướng đi để hoàn thiện đề tài.
Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo tổng quan về đề tài, tham luận về thuế các-bon và thiết kế thuế các-bon ở Việt Nam, Hệ thống mua bán phát thải khí nhà kính: Cơ sở và các yếu tố thiết kế, ví dụ hệ thống mua bán phát thải ở Trung Quốc… Góp ý với đề án, nhiều đại biểu nhận định, đây là vấn đề mới, khó trong điều kiện cơ chế chính sách có liên quan của Việt Nam chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần xác định các đối tượng doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước phù hợp tham gia và vận hành thị trường các-bon.
Theo TS Lê Văn Chính - đại diện Bộ KH&CN, quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu cần lồng ghép hiện trạng chính sách, bài toán dự báo vào mô hình thị trường các bon để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu thế quốc tế. Thời gian thực hiện đề tài không dài nên cần phối hợp với Văn phòng Chương trình BĐKH/16-20 tận dụng các kết quả nghiên cứu liên quan.
Các đại biểu kỳ vọng tại Hội thảo tiếp theo sẽ có những kết quả nghiên cứu cụ thể cho việt Nam, tác động áp dụng các loại thuế, đến việc phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của Việt Nam. Từ đó, gợi mở hướng đi cho Việt Nam trong việc xác định mô hình kinh doanh, quản lý tín chỉ các-bon.