Hải Phòng: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý chất thải nhựa

Tin tức - Ngày đăng : 08:49, 22/12/2018

(TN&MT) - Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng vừa phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố tổ chức Hội thảo: Chất thải nhựa vùng biển Hải Phòng thực trạng, nguy cơ và giải pháp. Theo báo cáo tại hội thảo, TP Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải biển…
HP 1
Thu gom rác thải nhựa tại vùng biển TP Hải Phòng.

Chất thải nhựa trên biển có ở các cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư và khu phát triển du lịch. Những loại phao, xốp, nhựa, túi nilon… là rác không phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường biển, gây nhiễm độc các loại hải sản nuôi trồng, đánh bắt khu vực ven bờ… làm cho nhiều giá trị của biển bị suy thoái. Tại Cát Bà, trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản tại Cát Bà cũ, hỏng, vỏ bọc bị rách, vỡ, xuất hiện nhiều mảnh vụn xốp nhỏ, hộp xốp đựng thức ăn, chai lọ nhựa trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% rác nhựa không thể tái chế là rác thải từ nhà hàng;  có 7,9% rác thải không thể tái chế là rác thải từ khách sạn… Huyện Cát Hải tiến hành thu gom, vớt rác trên vịnh với số lượng khoảng 10m³ rác thải các loại/ngày.

Hiện nay, công tác quản lý chất thải đặc biệt là chất thải nhựa trên biển chưa được quan tâm đúng mức, chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa trên biển. Do vậy, tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất một số giải pháp xử lý rác thải nhựa vùng biển cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy kiểm soát ô nhiễm môi trường biển của các địa phương; Nghiên cứu, xây dựng phương pháp xác định lượng chất thải nhựa biển phù hợp với Việt Nam; Áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa vào môi trường; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giảm tác động của các thiết bị nuôi trồng, đánh bắt hải sản sau thải bỏ, công nghệ xử lý tái chế rác thải nhựa…

Đồng thời, tại Hội thảo giới thiệu một số giải pháp kỹ thuật  - công nghệ tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa (GS.TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam); Giới thiệu kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển (Ths. Dương Thị Phương Anh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường); Nghiên cứu chất thải nhựa vùng biển Hải Phòng (TS. Trần Đình Lân - Viện Tài nguyên Môi trường Biển)…