Quảng Ngãi: Sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu vi phạm về môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 12:43, 13/12/2018
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN& MT) Quảng Ngãi Đỗ Minh Hải về những vấn đề có liên quan.
Theo các đại biểu, hiện nay tại một số cơ sở sản xuất, nước thải được thải ra trong quá trình sản xuất sau khi xử lý được tuần hoàn tái sử dụng để sản xuất nhưng chưa được cơ quan nào đánh giá, xác nhận, nhất là các dự án sản xuất giấy. Do đó, đại biểu quan tâm làm rõ trách nhiệm thẩm định, đánh giá hồ sơ môi trường của Sở TN&MT trong các dự án này.
“Câu hỏi chúng tôi đặt ra là, trách nhiệm thẩm định, đánh giá hồ sơ môi trường của Sở TN& MT trong các dự án này đến đâu?.Nguyên nhân vì sao trong đánh giá tác động môi trường cho phép tái sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng đánh giá, xác nhận chất lượng nước thải được xử lý tuần hoàn ?”- đại biểu Tôn Long Hiếu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu.
Ông Đỗ Minh Hải thừa nhận: "Số lượng các cuộc thanh tra rất ít so với số lượng các cơ sở cần thanh tra. Chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng chương trình trong năm 2019, tăng cường công tác kiểm tra. Đặc biệt là các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong danh sách cần phải di dời".
Cùng với đó, một số đại biểu cho rằng, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số cơ sở sản xuất có dây chuyền sản xuất thực tế khác hoàn toàn so với thiết kế theo hồ sơ đã được phê duyệt; phát sinh dây chuyền sản xuất mới nhưng chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường; một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết...
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 4 Quyết định phê duyệt danh mục và lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Đến nay, 13/18 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý, khắc phục; 5 đơn vị còn lại chưa được khắc phục là: Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thắng, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà; Cơ sở sản xuất giấy Sông Vệ Trần Kim Hoanh; Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ tổng hợp Phan Vũ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn; Cơ sở chế biến thuộc da ông Tạ Công Tâm, phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi và Trung tâm Giáo dục Lao động - xã hội, huyện Tư Nghĩa.
Theo bà Lê Na, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Bình Sơn, cơ sở chế biến thuộc da của ông Tạ Công Tâm không có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa có công trình xử lý nước thải. Đối với Cơ sở sản xuất giấy Sông Vệ Trần Kim Hoanh thì công trình xử lý nước thải không đúng theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.
“Tại sao các cơ sở này đã nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chậm được xử lý như vậy?”- bà Lê Na nêu vấn đề.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhìn nhận, thời gian qua, việc đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng đối với các dự án có nơi đánh giá đúng, có nơi thì chưa sát thực tế. Công tác kiểm soát, hậu kiểm không tốt, đa số chỉ dừng lại ở khâu tiền kiểm.
“Tỉnh sẽ có quy định, đặc biệt quan tâm công tác hậu kiểm, phải kiểm soát. Sở Tài nguyên và Môi trường cần ra “tối hậu thư”, đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu vi phạm về môi trường.”- ông Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo.