Sơn Trà đối diện với suy thoái nghiêm trọng vùng biển ven bờ
Tin tức - Ngày đăng : 20:50, 03/12/2018
Vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nằm ngay dưới chân khu bảo tồn thiên nhân Sơn Trà từng được các chuyên gia đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Thế nhưng đó là câu chuyện năm 2005.
Bởi, theo báo cáo mới nhất của Viện Hải dương học, hệ sinh tháo này đã bị suy thoái nghiêm trọng.
Cụ thể, hệ sinh thái rạn san hô tại Sơn Trà đã giảm 42% diện tích trong 10 năm. Từ 2006 đến 2016, khoảng 34ha san hộ đã biến mất.
Độ phủ san hô suy giảm nghiêm trọng nhất ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà như Bãi Bộ Đội, Mũi Lố, Bãi Bắc.
Riêng ở Bãi Bắc, độ phủ san hô cứng từ 31,9% (2006) đã giảm còn 0,6% (2016), Mũi Lố độ phủ san hô cứng từ 21,3% (2006) giàm còn 7,5% (2016). Điều này có nghĩa là rạn san hô ở khu vực này gần như bị huỷ diệt hoàn toàn.
Phía Nam bán đảo đã suy giảm độ phủ nghiêm trọng của san hô cứng ở địa điểm Hục Lỡ, từ 31,25% (2006) giảm còn 4,7% (2016). San hô mềm cũng suy giảm độ phủ từ 3- 9,4% ở các điểm khảo sát Bãi Bụt, Hục Lỡ và Bãi Nồm.
Bên cạnh đó, mật độ động vật đáy vùng ven biển Sơn Trà cũng có sự suy giảm mạnh. Các loài có giá trị kinh tế cao như Nhum sọ, Bàn mai, Hải sâm rất hiếm gặp trên rạn.
Cũng theo báo cáo này, suy thoái thảm cỏ biển lên đến 90%, bởi nếu nghiên cứu năm 2005, Sơn Trà có 10ha cỏ biển thì giờ đây còn chưa tới 1ha. Một con số đáng báo động!
Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học nhận định: "Diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi rạn san hô đã biến mất.
Có rất nhiều nguyên nhân, tác động khác nhau nhưng trong đó việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và rác thải, ô nhiễm môi trường do các hoạt động từ các khu đô thị, nhà hàng, du lịch. Đây là những điều có thể thấy rõ nhất việc tác động đến vùng biển ven bờ Sơn Trà thời gian qua".
Trong khi đó, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, việc duy trì các quá trình sinh thái và ổn định môi trường biển rất quan trọng. Rạn san hô và thảm cỏ biển là nơi cư trú, với nguồn thức ăn đồ dào và là nơi sinh đẻ, nuôi ấu trùng, con non của nhiều loài sinh vật biển có giá trị, giúp bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn gen. Rạn san hô, thảm cỏ biển giúp bảo vệ đường bờ, là cơ hội để phát triển ngành du lịch biển với loại hình lặn ngắm san hồ.
"Thế nhưng với những con số trên thì hiện nay, vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà đang đối diện với việc suy giảm nghiêm trọng mà nếu không được đánh động từ người dân, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương thì một hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam sẽ bị biến mất hoàn toàn trong tương lai" - ông Vỹ cảnh báo.