Sóc Trăng: Áp lực môi trường tại các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh

Tin tức - Ngày đăng : 18:27, 29/11/2018

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ngày càng gia tăng, điều này đã và đang tạo nhiều áp lực cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng.
TOM
Nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhưng cũng tạo áp lực lớn cho môi trường

Theo ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2017 diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh là 54.361 ha, trong đó diện tích thả nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh là 48.128 ha chiếm tỷ lệ 88,5% diện tích thả nuôi, tập trung nhiều nhất ở TX. Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung.

Thống kê trong năm 2017, khối lượng chất thải trong hoạt động nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 4,81 - 6,93 triệu/m3 bùn thải và khoảng 433,2 - 563,1 triệu/m3 nước thải. Nhưng công tác thu gom và xử lý chưa triệt để, đã và đang để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường đất, nước, đa dạng sinh học.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường của Sở TN&MT Sóc Trăng mới đây, cho thấy việc xây dựng các khu nuôi tôm nước lợ theo hình thức thâm canh bán thâm canh dễ làm cấu trúc đất bị xáo trộn, làm cho tầng sinh phèn tiếp xúc với oxy và quá trình oxy hóa diễn ra nhanh chóng, làm suy thoái chất lượng và thay đổi cấu trúc của đất.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng, hóa chất không theo quy định sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh cùng với các vi khuẩn có lợi trong nước ao làm mất cân bằng hệ vi sinh trong môi trường. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn không theo quy định, góp phần làm cho môi trường nước bị biến đổi, suy thoái gây ô nhiễm môi trường nước mặt

Theo dự báo đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diện tích nuôi thủy sản là 75.850 ha, ước tính lượng chất thải nuôi thủy sản phát sinh khoảng 15,17 - 21,84 triệu m3/năm chất thải rắn và 682,7 - 887,4 triệu m3/năm nước thải. Với khối lượng chất thải này nếu không được thu gom và xử lý triệt để sẽ gây ra áp lực lớn cho môi trường.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm thâm canh và quản canh, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra nhiều giải pháp, Trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực nuôi thủy sản. Cụ thể, xem xét, bổ sung các thông số tổng N và tổng P vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ.

Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất kinh tế tập thể như HTX, THT, Hiệp hội nuôi trồng thủy sản… có điều kiện áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến và bảo vệ môi trường vùng nuôi; lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các địa phương.

Các ngành, các cấp tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước; phổ biến các quy định trong khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất… nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về những vấn đề môi trường bức xúc, những tác động về môi trường.

Song song đó, vận động người dân đăng ký xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường có diện tích ao nuôi tôm từ 5.000m2 trở lên theo quy định; nghiên cứu, lồng ghép các kịch bản về biến đổi khí hậu vào các dự án đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ, đặc biệt các dự án công nghệ cao, vốn đầu tư lớn...