Chuyển hóa địa bàn trọng điểm về môi trường ở Điện Biên: Còn nhiều khó khăn
Tin tức - Ngày đăng : 12:46, 28/11/2018
Nhiều năm nay, dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Nà Tấu, huyện Ðiện Biên. Hàng năm, cứ đầu vụ thu hoạch dong riềng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lại yêu cầu các cơ sở chế biến dong riềng triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, trước lợi nhuận về kinh tế cùng với ý thức của các chủ cơ sở chế biến dong riềng chưa cao, chưa thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường, chưa xây dựng hệ thống xử lý đúng theo Hướng dẫn số 1010/STNMT-MT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên về quy trình xử lý chất thải, nước thải rong sơ chế dong riềng. Điều đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước khu vực suối đầu nguồn sông Nậm Rốm.
Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, Phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Xác định xã Nà Tấu là một trong những địa bàn trọng điểm về môi trường, ngày 8/4/2016, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 98B về chuyển hóa địa bàn trọng điểm về môi trường tại khu vực này. Nhiệm vụ của kế hoạch là tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, sơ chế dong riềng; tham mưu cho xã tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường với các hộ sản xuất, sơ chế dong riềng; phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm dối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường…
Được biết, trong năm 2017, qua phối hợp kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 9 cơ sở, xử phạt 86 triệu đồng. Năm 2018, trước khi vào vụ dong riêng, Phòng Cảnh sát môi trường cũng đã tham mưu cho xã Nà Tấu ký cam kết bảo vệ môi trường đối với 9 cơ sở và hướng dẫn đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cấp huyện đối với cơ sở chế biến của Trại giam Nà Tấu.
Đánh giá về hiệu quả trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về môi trường 2016, Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc cho biết: Qua tuyên truyền, vận động, bước đầu các hộ dân đã có nhận thức trong việc xây dựng một số công trình xử lý nước thải, bã thải. Đào các ao để chứa và xử lý sơ bộ đối với chất thải nước thải từ hoạt động sơ chế dong riềng. Tuy nhiên, đa số các hệ thống xử lý chưa đảm bảo ngăn chặn triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường chỉ mang tính chất xử lý cơ học.
Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 300ha trồng dong riềng, cùng với đó là 10 cơ sở sơ chế, chế biến dong riềng. Những năm trước, vì hoạt động xả thải sau sơ chế dong riềng, dòng suối Nậm Rốm chảy qua địa bàn xã bị chuyển màu đen ngòm, gây mùi khó chịu. Trước thực trạng đó, chính quyền xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường; phối kết hợp với Phòng TN&MT huyện, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, xử phạt hành chính…
Một trong những khó khăn trong chuyển hóa địa bàn trọng điểm về môi trường ở Nà Tấu được xác định là do hoạt động sơ chế dong riềng gắn với vùng sản xuất của người dân. Dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Nà Tấu, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc xử lý “mạnh tay” với các cơ sở sơ chế dong riềng lại tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế của người dân. Cùng với đó, việc người dân sản xuất theo quy mô tự phát nên để đầu tư hệ thống xử lý môi trường vượt quá khả năng tài chính của người dân. Bản thân người dân cũng không hiểu hết được quy trình, kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường nên vẫn để tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, phía Phòng Cảnh sát môi trương chỉ dừng lại ở công tác tham mưu và kiểm tra xử lý vi phạm, việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành để vừa đảm bảo tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế và môi trường không bị ảnh hưởng.
“Thời gian tới, Phòng cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện Điện Biên có chủ trương vận động người dân liên kết sản xuất tập trung. Hướng đến đầu tư hệ thống chế biến, xử lý chất thải; bố trí khu vực sản xuất đối với các cơ sở chế biến. Tiếp tục tham mưu cho huyện Điện Biên kiến nghị tỉnh, các ngành chức năng hỗ trợ công nghệ xử lý môi trường, nguồn vốn để đầu tư xây lắp các công trình xử lý môi trường. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất; hướng dẫn UBND xã Nà Tấu tiến hành kiểm tra cụ thể và xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm.” Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc cho biết thêm.