Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng chuẩn bị ứng phó với mưa lớn
Tin tức - Ngày đăng : 17:10, 24/11/2018
Thông báo nêu rõ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 24 – 26/11, các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300 – 400mm/đợt). Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam có khả năng ở mức BĐ 1 – BĐ 2 và trên BĐ 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn do bão số 9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị BCH PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sống, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu. Sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các hồ đập, hồ chứa nước xung yếu. Tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, đồng thời, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thông báo được đưa ra sau cuộc họp sáng nay của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Theo báo cáo từ các địa phương, hiện đã có 6 tỉnh ban hành lệnh cấm biển: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre. Tính đến 9 giờ sáng ngày 24/11, Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang và Trà Vinh báo cáo không còn phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Bốn tỉnh/thành phố đã có phương án, thời hạn cụ thể hoàn thành việc di dời dân cư gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã di dời xong 199 hộ/934 người; huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) dự kiến di dời 4.151 người (với gió cấp bão) và 1.928 người (với gió cấp ATNĐ). Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến di dời khi bão ảnh hưởng là 42.423 hộ/158.534 người. Các hồ chứa thủy điện trong khu vực ảnh hưởng vẫn đang vận hành bình thường. Hồ chứa thủy lợi có 9 hồ đang xả lũ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị thành viên BCĐ và các địa phương thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ; khẩn trương sơ tán dân xong trước 12h00 ngày 24/11. Tổ chức cấm biển phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện nghiêm khi có lệnh.
Các cơ quan, đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát việc chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, hạn chế thiệt hại do dông, lốc có thể xảy ra; Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; bố trí lực lượng, nhân lực, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó, di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; Thường xuyên theo dõi và sẵn sàng ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực xung yếu, bảo vệ các tuyến đê, kè biển bị sự cố, đang thi công.
Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, giông, lốc xoáy khu vực Nam Bộ, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh tập trung chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa.