Quảng Ngãi: Hàng trăm hộ dân xã Đức Hiệp “lao đao” vì nước bị nhiễm phèn nặng
Tin tức - Ngày đăng : 13:20, 20/11/2018
Nước ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải dùng
Chỉ tay vào giếng nước trước nhà, ông Phan Bé (78 tuổi, trú tại khu dân cư số 15) cũng là trưởng thôn ngán ngẩm cho biết: “Nước ở đây bị nhiễm phèn đã mấy đời nay. Mấy anh chị xem, nước vàng khè thế này làm sao mà dùng được, phải lọc qua hai ba lần mới dùng được. Vậy mà nhà tôi, và hàng trăm hộ dân nơi đây phải dùng thứ nước này những năm qua rồi đó”. Mặc dù hầu hết các hộ dân trong vùng đã làm bể lọc, nhưng nước nhiễm phèn quá nặng, chỉ xử lý được màu vàng, còn mùi tanh thì không thể.
Cách nhà ông Bé không xa, chị Bùi Thị Thiện (40 tuổi, trú tại khu dân cư số 15) ngậm ngùi chia sẻ: Muốn có nước để sử dụng phải dùng bể lọc lọc qua, lọc lại nhiều lần mới có thể dùng. Cho dù đã qua bể lọc nhưng nguồn nước của bà con vẫn không đảm bảo để sử dụng, nước vẫn có mùi hôi, và khi giặt áo quần phèn vẫn bám dính, ố vàng trên áo quần.
“Cuộc sống không có nước sạch dùng bất tiện nhiều thứ lắm. Dùng nước phèn lâu rồi, các bệnh về thận, những bệnh về dạ dày, ngứa ngáy, khó chịu trong người. Mặc dù biết là nước bị nhiễm phèn nhưng gia đình chị vẫn phải dùng, không dùng thì lấy nước đâu ra để sinh hoạt hằng ngày trong gia đình”- chị Thiện cho biết thêm
Để chứng minh cho chúng tôi thấy nước qua bể lọc vẫn còn phèn, ông Bé lấy một ly nước từ bể bơm, rồi chế nước trà đã pha sẵn vào, lập tức ly nước chuyển từ màu trắng trong sang màu đen nhìn rợn cả người. Lý giải theo phản ứng hóa học thì hiện tượng này cho thấy nguồn nước bị nhiễm sắt nặng.
Theo người dân địa phương, hiện cả nguồn nước giếng khơi và giếng khoan đều bị ô nhiễm nặng. Nước khi đưa từ giếng lên có màu vàng, mùi tanh, để một thời gian trên mặt nước sẽ đóng váng, còn dưới đáy nước sệt lại như “cháo”.
Theo ghi nhận, hầu hết các giếng đào cũng như giếng khoan trong xã đều bị nhiễm phèn, các vật dụng đựng nước đều có màu vàng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Dù biết đây là nguồn nước không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng nhiều gia đình vẫn phải sử dụng.
Để hạn chế độ phèn người dân đã xây dựng các bể, lu vại... để lọc nước. Bể lọc gồm nhiều lớp vật liệu như: cát, sỏi, than hoạt tính… Người dân thường lọc đi lọc lại nhiều lần trước khi sử dụng. Nước sau khi lọc có nhìn sạch hơn nhưng vẫn còn mùi hôi tanh.
Khao khát nước sạch
Theo thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn xã Đức Hiệp có 26 khu dân cư thì có đến 80% hộ dân phải sinh hoạt bằng nước nhiễm phèn, trong đó có 4 khu dân cư bị nhiễm phèn nặng nhất là khu dân cư số 3, số 4, số 15 và số 16. Tính riêng 4 khu dân cư này thì đã có tới gần 300 hộ dân, chưa kể rải rác trên các khu dân cư khác trong địa bàn xã cũng có nhiều hộ dân gặp tình trạng nước bị nhiễm phèn.
“Nước sạch là sự đòi hỏi chính đáng và cấp thiết hiện nay của người dân. Có nguồn nước sạch sử dụng sẽ góp phần ổn định đời sống người dân. Đây cũng là khao khát của hàng trăm hộ dân từ trước đến nay, họ không chỉ cảm thấy bất an mà còn vô cùng lo sợ khi trong thôn ngày càng có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Mặc dù có thể nguyên nhân mắc bệnh không phải hoàn toàn do nguồn nước nhưng chắc chắn đó là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Hiện tại, bà con chỉ có thể tự khắc phục bằng cách làm bể lọc nước để dùng tạm, tuy nhiên, lọc thì lọc nhưng nước vẫn còn phèn mà người dân thì vẫn hết bệnh này tới bệnh khác vậy thôi”- ông Phan Bé, Trưởng thôn khu dân cư số 15 nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Như- Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp cho biết, chuyện người dân dùng nước bị nhiễm phèn xã cũng đã biết từ lâu, song do đời sống người dân còn khó khăn, để đưa nước sạch về cho người dân phải tốn một khoản chi phí rất lớn, chính quyền cũng đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên để xin đầu tư công trình nước sạch cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hơn nữa, vì là vùng nông thôn nên nếu đưa nước sạch về chưa chắc người dân đã chịu bỏ tiền ra để mua về dùng, vậy cho nên vấn đề này đến nay vẫn chưa thể có phương án giải quyết thỏa đáng. Trước mắt, xã tiếp tục vận động bà con xây bể lọc để giảm bớt phần nào độ phèn trong nước.