Nghệ An: Hội thảo giải pháp phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã
Tin tức - Ngày đăng : 22:51, 16/11/2018
Được biết, hơn 100 đại biểu, khách mời và cán bộ UBND xã Châu Khê, cán bộ thôn bản và cộng đồng địa phương đã tham gia hội thảo. Trước đó, hai hội thảo cùng chuyên đề cũng đã được diễn ra tại Ủy ban Nhân dân xã Yên Khê và Chi Khê vào ngày 13 và 15 tháng 11, với hơn 200 người tham dự.
Chương trình đưa đến cho đại biểu những thông tin nền về hiện trạng của động vật hoang dã (ĐVHD), tầm quan trọng của công tác bảo vệ ĐVHD, các mối đe dọa, cũng như các nỗ lực thực thi pháp luật tại VQG Pù Mát. Đồng thời tiến hành thảo luận ba nội dung chính nhằm tìm ra các giải pháp phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương, giáo dục - nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng, và phát huy vai trò của người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.
Theo Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát: “Các nghiên cứu xã hội cho thấy cộng đồng địa phương còn sinh sống phụ thuộc nhiều vào rừng. Chúng tôi nhận thấy ngoài việc tăng cường thực thi pháp luật, việc phát triển sinh kế sẽ giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, từ đó, sẽ hạn chế việc vào rừng khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hội thảo là cơ hội rất tốt để lắng nghe những trăn trở và khó khăn của người dân, cũng như cùng tìm ra những giải pháp thiết thực nhất hướng đến mục tiêu chung. Chúng tôi sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực, tìm kiếm giải pháp thiết thực và hỗ trợ thực hiện các đề xuất của cộng đồng địa phương”.
Còn ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã, chia sẻ: “Việc săn bắt và sử dụng ĐVHD ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nói chung, đa dạng sinh học VQG Pù Mát nói riêng, sức khoẻ người dân, kinh tế xã hội, văn hoá cộng đồng địa phương. Việc bảo vệ rừng Pù Mát cần phải xuất phát từ trái tim của chính mỗi người tham gia hội thảo cũng như chính những người con của Rừng Pù Mát. Với sự ủng hộ và quyết tâm của Chính quyền địa phương, VQG Pù Mát, cũng như sự đồng lòng của cộng đồng địa phương, chúng tôi tin rằng có thể tái phục hồi quần thể các loài động vật hoang dã tại Vườn quốc gia, phát triển sinh kế, đặc biệt là du lịch sinh thái, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế cho cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm.
Hội thảo cũng kêu gọi toàn bộ đại biểu và khách mời, thông báo các hành vi khai thác rừng, săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, qua đường dây nóng 0966.000.353. Đồng thời giới thiệu trang mạng xã hội Facebook mang tên “Cùng tôi bảo vệ rừng Pù Mát” để nâng cao nhận thức và hỗ trợ công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng tại địa phương.