Hà Nội: Phân cấp cho các địa phương xử lý ô nhiễm môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 11:03, 13/11/2018

(TN&MT) – TP Hà Nội phân cấp hơn nữa cho các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm môi trường.

Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH T.Ư về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của UBND TP Hà Nội cho thấy, Thành phố đã tập trung xử lý ô nhiễm các sông hồ, các làng nghề; đổi mới công tác thu gom rác; thu gom xử lý nước thải sinh hoạt.

Thành phố đã tiếp nhận vận hành 10 trạm quan trắc tự động không khí, đưa vào hoạt động ổn định, truyền số liệu 24/24 giờ về Trung tâm truyền nhận, xử lý, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường. Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành Trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục nước thải và Trạm quan trắc môi trường di động, tự động không khí tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa nghiêm túc, thực hiện không đầy đủ theo quy định; tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng một số cơ sở vẫn xảy ra, chưa được xử lý dứt điểm, còn phát sinh thêm cơ sở mới.

xử lý ô nhiễm
Hà Nội xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, Hà Nội kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp hơn nữa cho các địa phương và ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm.

Mặt khác, sớm có hướng dẫn xây dựng trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh, phù hợp với mạng lưới quốc gia và các quy chuẩn môi trường hiện hành.