Hoàn Kiếm xóa bỏ hơn 1.000 bếp than tổ ong
Tin tức - Ngày đăng : 11:14, 07/11/2018
Nội thành có số lượng “áp đảo”
Theo kết quả khảo sát của Chi cục BVMT Hà Nội, tính đến tháng 10/2017 trên toàn địa bàn TP có trên 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% (tập trung nhiều là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán nước trên vỉa hè...), các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Một ngày, trung bình TP Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các hộ gia đình đang sử dụng bếp than tổ ong có thu nhập thấp và những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Các hoạt động sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu là nấu ăn, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán nước và chuẩn bị thức ăn chăn nuôi.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết, nơi tập trung số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất trong nội thành là quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, các huyện ngoại thành có Gia Lâm và huyện Sóc Sơn, trong đó Hoàn Kiếm có 2.525 bếp.
“Thực hiện mục tiêu giảm 70% số lượng bếp than tổ ong tại Hà Nội đến năm 2019, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP đến năm 2020, Chi cục BVMT Hà Nội đã và đang tiến hành phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bếp than tổ ong, triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp khác, thân thiện với môi trường tại một số phường trên địa bàn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Kết quả triển khai mô hình thí điểm này sẽ là cơ sở để tổ chức nhân rộng các giải pháp thay thế bếp than tổ ong trên toàn địa bàn TP” - ông Thái chia sẻ.
Hiệu quả từ công tác phối hợp
Được biết, ngay từ đầu năm 2018, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận Ba Đình và Hoàn Kiếm cùng các tổ chức như Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Sống học tập vì Môi trường cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub), Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam... tổ chức tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong và giới thiệu các loại bếp thân thiện với môi trường cho người dân trên địa bàn quận.
Từ tháng 4/2018, tại quận Hoàn Kiếm, Chi cục BVMT Hà Nội đã phối hợp Phòng TN&MT quận và các đơn vị cung cấp bếp tổ chức hàng loạt các buổi tuyên truyền, thí điểm cho 60 hộ dân mượn bếp thân thiện với môi trường để dùng thử tại 4 phường thí điểm: Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Chương Dương, Phúc Tân; đã phát tới 18 phường hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe con người, cũng như lộ trình thay thế bếp than tổ ong từ nay đến năm 2020.
Tính riêng trong tháng 9 đã tổ chức 3 lớp đào tạo cho 200 tuyên truyền viên, là những cán bộ thuộc phòng, ban quận, cán bộ cơ sở ở 18 phường về kế hoạch thay thế bếp than tổ ong. Đồng thời tổ chức Ngày hội đổi bếp và thăm khám sức khỏe cho hàng trăm hộ dân đang sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn 2 phường Chương Dương và Phúc Tân; thu hồi được 145 bếp than tổ ong tại Ngày hội. Vì thế, tính đến 20/10, số lượng bếp than tổ ong của 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm được 1.044/2.525 bếp, đạt tỷ lệ giảm 41,35%.
Trao đổi về kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, dù việc triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong (sử dụng nguyên liệu hóa thạch) bằng các bếp cải tiến thân thiện với môi trường trên địa bàn quận đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian ngắn nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân sử dụng bếp than tổ ong do thói quen sử dụng và giá bếp than tổ ong, nhiên liệu rẻ, dễ mua. Nhiều hộ sử dụng bếp than tổ ong có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện chuyển đổi sang bếp từ, bếp ga, bếp điện...
“Thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ dân về tác hại của bếp than tổ ong và tổ chức giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sẽ thực hiện cấm lưu hành, kinh doanh than và bếp than tổ ong trên địa bàn quận, cấm sử dụng bếp than tổ ong tại tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát - văn minh thương mại Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ” - ông Long cho biết.