Chính sách chi trả dịch vụ môi trường tại Yên Bái: Giúp người dân gắn bó với rừng

Tin tức - Ngày đăng : 06:35, 07/11/2018

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được ban hành vào ngày 24/9/2010 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 tính đến nay chính sách đã giúp tăng cường bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái. Nhờ có chính sách DVMTR mà rừng dần trở nên gắn bó với cuộc sống của người dân, từ đó góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và bảo vệ nguồn sinh thái.
Sau 7 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR ở Yên Bái đã giúp người dân thêm gắn bó hơn với rừng
Sau 7 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR ở Yên Bái đã giúp người dân thêm gắn bó hơn với rừng

Yên Bái có hơn nửa triệu ha rừng nằm trên đầu nguồn các con sông: Sông Đà, sông Chảy, ngòi Thia, ngòi Hút, Nậm Kim… cung cấp nguồn điện năng rất lớn cho quốc gia.

Rừng trở thành nơi dự trữ điện năng cho những nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Huổi Quảng, Văn Chấn… Mỗi năm Yên Bái thu từ 65 - 70 tỷ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần để người dân BVR rừng tốt hơn… Tổng diện tích rừng của Yên Bái tính đến thời điểm hiện nay là 688.767ha. Trong năm 2017 chi trả 66,7 tỷ tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thu được của 25 nhà máy thủy điện và 4 Cty cung cấp nước sạch, năm 2018 dự kiến thu khoảng 100 tỷ, số tiền này đều chi trả cho người bảo vệ rừng.

Qua 7 năm thực hiện chính sách chi trả DVMT tại Yên Bái đã thực hiện được 3 vấn đề cơ bản: Về môi trường, kinh tế và xã hội; góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao chất lượng rừng và tăng khả năng phòng hộ bảo đảm cân bằng sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Huyện Mù Cang Chải là một trong những huyện của tỉnh Yên Bái thực hiện tốt chính sách này. Toàn huyện có 80.341ha rừng, trong đó có 60.090ha rừng tự nhiên, 19.536ha rừng trồng, nơi dự trữ nguồn nước cung cấp nước cho các con sông con suối: Sông Đà, Nậm Mu, Nậm Kim, Ngòi Hút, Nậm Tha… nơi có nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn: Hòa Bình, Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Kim, Khao Mang thượng, Khao Mang hạ, Hồ Bốn, Hút I, Hút II, Nậm Chiến (Sơn La)… và các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên đèo Khau Phạ. Năm 2017, Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng chi trả cho người dân Mù Cang Chải trên 43,7 tỷ, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải 27 tỷ, Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải 15,5 tỷ… Sau khi triển khai chính sách này, đồng bào dân tộc Mông có thêm thu nhập giúp họ cải thiện cuộc sống. Từ đó, người dân thêm gắn bó với rừng và bảo vệ rừng tốt hơn.

Tại một số địa phương người dân đã chủ động trồng rừng, cho thấy chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Tại một số địa phương người dân đã chủ động trồng rừng, cho thấy chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Anh Hảng A Dờ - Trưởng bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phấn khởi chia sẻ: Bây giờ hàng năm người dân trong bản có thêm tiền từ việc bảo vệ rừng nên mọi người cũng phấn khởi lắm. Được cán bộ tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, mọi người đều có ý thức hơn rất nhiều, không tự ý đốt rừng, phát nương làm rẫy.

Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cơ bản đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh chung và ở lưu vực có cung ứng DVMTR nói riêng. Qua đó đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng và cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Tổng số vụ vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng ngày càng giảm, trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay số tiền chi trả DVMTR cho người dân đã góp phần nâng cao sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân tại các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Từ đó người dân nhận thấy lợi ích từ rừng mang lại họ sẽ có ý thức hơn trong công tác bảo vệ cũng như phát triển rừng.

“Người dân được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách đã tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra giảm đi rõ rệt. Tại một số xã, người dân đã chủ động trồng rừng, cho thấy biểu hiện tích cực của chính sách đã tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó rừng được giữ tốt hơn”, ông Bình nói.

Sau 7 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại Yên Bái đã thể được hiệu quả trong công tác giữ rừng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm được cuộc sống cho người dân giúp người dân thêm khi gắn bó với rừng.