Trao giải Cuộc thi "Sáng tạo cùng Resilience"
Tin tức - Ngày đăng : 23:43, 03/11/2018
Cuộc thi nhằm giúp đoàn viên thanh niên nâng cao nhận thức các vấn đề về biến đổi khí hậu thông qua tìm hiểu về thuật ngữ Resilience (tạm dịch là khả năng chống chịu và phục hồi), diễn giải một cách dễ hiểu và gần gũi nhất đến cộng đồng.
Tại buổi lễ, ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Hành động và Tài chính công Pháp và ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã trao Giải nhất về dịch thuật cho tác giả Nguyễn Thị Điền, Trường đại học Hà Nội; Giải nhất video cho nhóm tác giả: Đỗ Văn Nhất, Võ Thị Thu Hiếu đến từ Trường đại học An ninh nhân dân.
Giải nhì Infographic được trao cho tác giả Nguyễn Quốc Khải, Chi đoàn PX01 - Công an tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 7 giải khuyến khích, 1 giải phong trào cho đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất và 1 giải phụ infographic/video clip dành cho tác phẩm có lượt bình chọn nhiều nhất trong thời gian diễn ra cuộc thi.
Theo ban tổ chức, các bài thi infographic/video clip được đầu tư công phu, kết hợp ấn tượng giữa nội dung dịch thuật và hình ảnh minh họa, đã giúp người xem dễ tiếp thu nội dung về giải thích thuật ngữ "Resilience". Sự sáng tạo của các bạn trẻ đã góp phần nâng cao nhận thức của người xem về những vấn đề nóng của đất nước, như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, sức ép từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa...
Ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc AFD chia sẻ, thế hệ trẻ đang là những người chủ động trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và những giải pháp khác vì một thế giới bền vững hơn. Hơn ai hết, các bạn trẻ có đầy đủ khả năng để thực hiện việc này cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, và AFD sẽ cam kết đồng hành hỗ trợ thanh niên Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới.
Sau hơn 7 tuần triển khai (từ ngày 22/8 – 14/10), ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 389 tác phẩm hợp lệ, trong đó 265 tác phẩm dịch thuật, 103 tác phẩm infographic và 21 tác phẩm video clip. Cuộc thi đã thu hút các tác giả có độ tuổi từ 18 - 25 tuổi (chiếm 82%); trong đó học sinh, sinh viên chiếm 59%. Nhiều sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài cũng gửi tác phẩm về dự thi. Qua thống kê của ban tổ chức, có gần 3 triệu lượt xem các bài dự thi thông qua fanpage cuộc thi; trung bình khoảng 138.774 lượt/bài viết; lượt tương tác cao nhất cho 1 bài viết đạt 6.812 lượt… đã cho thấy sự quan tâm của xã hội tới cuộc thi nói riêng và các vấn đề về xã hội, biến đổi khí hậu, môi trường nói chung.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo “Thanh niên với biến đổi khí hậu: Những thách thức hôm nay, giải pháp nào cho ngày mai?” đã diễn ra 3 tọa đàm: Đối mặt với rủi ro khí hậu: quản lý rủi ro lũ lụt và xói lở bờ biển ở Việt Nam thông qua cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi; Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước BĐKH: công cụ và giải pháp; Tích hợp việc tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi vào quy hoạch lãnh thổ và đô thị: những hạn chế và khuyến nghị. Tham dự các buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT), Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện Trung ương đoàn, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ đã cùng thảo luận về những thách thức chủ yếu của biến đổi khí hậu, những hệ quả đối với hệ sinh thái, nguồn nước, nông nghiệp, an toàn lương thực, cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị, và sự phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp, hành động cụ thể ở các đô thị, địa phương… |