Thanh Trì xóa lò mổ thủ công

Tin tức - Ngày đăng : 10:26, 23/10/2018

Những năm trước, Thanh Trì có 13 điểm giết mổ lợn nằm trong khu vực dân cư, xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trước thực trạng trên, UBND huyện đã tập trung vận động chủ lò di chuyển vào khu giết mổ tập trung.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, trên địa bàn huyện Thanh Trì không còn tồn tại cơ sở nhỏ lẻ, hộ dân làm nghề giết mổ lợn trong khu dân cư. Có được kết quả trên là nhờ sự quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, xử phạt và quy hoạch cơ sở giết mổ. Đây là kinh nghiệm quý để các địa phương khác học tập trong việc thực hiện xóa bỏ lò mổ thủ công tự phát đang tồn tại ảnh hưởng đến người dân.

Tìm hiểu được biết, sau khi TP đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt vào năm 2011 do nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch, các chủ lò mổ bắt đầu hoạt động tự phát giết mổ lợn ở ngay trong khu dân cư huyện Thanh Trì. Mặc dù, huyện đã áp dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên 13 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ vẫn lén lút hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân. Để thuận tiện cho công tác quản lý, UBND huyện đã khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch khu giết mổ tập trung nằm xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn phân phối cho thị trường.

xóa lò mổ thủ công
 Một góc khu giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Ảnh: Hữu Trường

Qua đó, năm 2012, khu giết mổ tập trung được xây dựng với 4 dãy nhà rộng 7.000m2 ở xã Vạn Phúc đi vào hoạt động, bước đầu đã bố trí được địa điểm cho 13 hộ. Đến nay, khu giết mổ lợn tập trung này đã thu hút được 27 hộ trong và ngoài huyện vào làm nghề với công suất giết mổ 1.800 con/ngày, đêm. Tất cả lợn được đưa vào giết mổ tại đây đều qua chốt kiểm dịch động vật kiểm soát chặt chẽ. Hàng ngày, kết thúc mỗi ca giết mổ, việc phun rửa nền, thu gom toàn bộ chất thải rắn (lông lợn, phụ phẩm từ thịt) được tập trung đưa đi xử lý theo quy định. Công tác vệ sinh môi trường, khử trùng bằng vôi bột và phun hóa chất khu giết mổ được thực hiện đều đặn hàng tuần. Nhằm đáp ứng nhu cầu giết mổ, tiêu thụ thực phẩm thịt lợn sạch, Công ty CP Thịnh An quản lý khu giết mổ đang đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải.

Phấn khởi nói về kết quả trong công tác xóa bỏ lò mổ thủ công trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Thị Thu Huyền cho biết, việc xây dựng khu giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc đã xóa bỏ được 100% các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo quy định nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn. Chính vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa cơ chế, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động giết mổ, vệ sinh ATTP, thuận tiện cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, kiểm soát được nguồn gốc lợn và tăng nguồn thu cho Nhà nước. “Mặc dù, cơ sở giết mổ lợn tập trung tại Vạn Phúc được đánh giá đem lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, song để cơ sở hoạt động ổn định, đảm bảo môi trường hơn nữa, huyện Thanh Trì mong muốn TP sớm có chính sách hỗ trợ cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ ứng dụng công nghệ cao theo hướng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản để cung cấp sản phẩm sạch, có thương hiệu cho thị trường. Mặt khác, hỗ trợ DN nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và bổ sung cơ sở giết mổ vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ của TP” - bà Huyền kiến nghị.