Hà Nội: Tăng cường diệt trừ cây Mai Dương, bảo vệ môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 19:29, 20/10/2018

Cây Mai Dương hay có tên gọi khác là cây Trinh Nữ thân gỗ, Trinh Nữ đầm lầy... được các chuyên gia cảnh báo là loại sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm đến môi trường, đa dạng sinh học. Vài năm trở lại đây, loài cây này đã xuất hiện và phát triển lan rộng ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nhất là các huyện Phúc Thọ, Đông Anh, Thường Tín…

Ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái

Theo tìm hiểu của báo Kinh tế & Đô thị, cây mai dương rất phổ biến ở các hệ sinh thái trên cạn của TP Hà Nội từ đô thị, nông thôn, nông nghiệp, gò đồi, đất bãi ven sông và giữa sông, ven các hệ sinh thái đầm, hồ, đập nước, ven các hệ sinh thái rừng… Trong đó hay gặp nhất là ở hệ sinh thái đất bãi bỏ hoang ven sông, giữa sông, các nơi đất trống của đồng ruộng. Hầu như tất cả các huyện, thị xã, quận của Hà Nội có vùng đất ven sông đều đã xuất hiện cây Mai Dương sinh trưởng.

cây mai dương
 Cây Mai Dương.

Với đặc tính của cây chứa chất mirnosin - tức một loại axít amin, cây Mai Dương có thể gây độc cho nhiều loài thực vật khác, ảnh hướng xấu đến hệ sinh thái. Thế nhưng, nhiều người dân chưa nhận thức hết được sự nguy hại của loài cây này, chỉ coi chúng là cỏ dại và “cuốc nhổ bỏ” nếu thấy cần. Mặt khác họ còn cho rằng, chúng có tác dụng phủ đất hạn chế xói mòn đất và ngăn cản sự đi lại của gia súc gia cầm nên người dân đã xây dựng “hàng rào” ngăn cách bảo vệ các nơi trồng cây, nhà ở của cư dân. “Nhưng thực tế loài cây này có khả năng phát triển quá nhanh, xâm lấn mạnh làm giảm sự phát triển của thảm thực vật bản địa, gây suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xâm lấn đất sản xuất, làm hư hại và giảm hiệu quả sử dụng của các công trình giao thông, thủy lợi” – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết.

Giải pháp diệt trừ hiệu quả

Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 8/3/2016 của UBND TP Hà Nội về ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn đến năm 2020, Sở TN&MT Hà Nội (đại diện là Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) đã và đang phối hợp với Hội Nông dân TP tổ chức “Tuyên truyền, tập huấn cho nông dân chủ động diệt trừ cây Mai Dương”. Theo đó, trong tháng 10/2018 này, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền diệt trừ cây mai dương cho 200 người thuộc Hội Nông dân và 30 người là Trưởng thôn thuộc các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ; trên 300 người thuộc Hội Nông dân của 16 huyện, 1 thị xã. Ngoài ra, còn phối hợp với 23 xã và thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ tuyên truyền về tác hại và giải pháp kiểm soát diệt trừ cây Mai Dương có hiệu quả trên loa phát thanh, tờ rơi, áp phích…

Theo ông Mai Trọng Thái, có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây Mai Dương là thủ công, hóa học và sinh học; trong đó biện pháp sinh học đã được tiến hành ở Australia, Thái Lan... như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây nhưng đến nay, ở nước ta chưa được áp dụng. Ở Việt Nam, biện pháp sinh học đang được áp dụng là phun dung dịch nước muối NaCl pha nồng độ từ 10 - 60 gram/lít rồi lên cây Mai Dương trưởng thành để gây mất diệp lục của cây, sau 2 tuần tiếp tục thực hiện biện pháp chặt, đào bỏ rễ để đem đốt. Biện pháp thủ công gồm nhổ bỏ cây non, chặt cây, đào rễ cây trưởng thành để khô rồi đốt. Đây là biện pháp phổ biến, đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân trước mắt nên sử dụng biện pháp thủ công và biện pháp sinh học để kiểm soát và diệt trừ cây Mai Dương trên tại địa phương.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, hạt của cây Mai Dương rơi xuống, theo nước trôi tới đâu sẽ mọc cây tới đó. Do vậy, cần phải tiêu diệt chúng trước mùa mưa để hạn chế sự nảy mầm, sinh sôi. Cần thiết có thể sử dụng hóa chất với nồng độ cho phép. Nếu không có giải pháp căn cơ, tiêu diệt kịp thời thì kinh phí Nhà nước bỏ ra để diệt trừ loại cây này về sau là rất lớn.