Phần Lan hỗ trợ Việt Nam xử lý rác thải

Tin tức - Ngày đăng : 16:56, 18/10/2018

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Mika Lintilä- Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan đã dẫn đầu phái đoàn 20 doanh nghiệp (DN) Phần Lan chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển năng lượng sạch từ các nguồn rác thải tại Việt Nam. 

Được xem là bước phát triển cần thiết cho Việt Nam, nơi có nhu cầu kiểm soát lượng rác thải và nguồn năng lượng nhằm đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, các chuyên gia và DN Phần Lan đã đưa ra nhiều giải pháp cần thiết để thúc đẩy quá trình biến đổi rác thải thành năng lượng, đồng thời phân tích những lợi ích của việc áp dụng những kinh nghiệm chuyên môn phát triển năng lượng sạch từ rác thải của Phần Lan tại Việt Nam.

Ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình xử lý rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học của Business Finland cho biết- Phần Lan là quốc gia dẫn đầu về công nghệ tái tạo năng lượng từ chất thải. Hiện nay, khi nhu cầu sử dụng năng lượng và năng lượng sạch tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh thì các phương pháp xử lý rác thải từ hộ gia đình cũng như xử lý chất thải từ nông nghiệp và công nghiệp cũng trở nên hết sức quan trọng.

phần lan hỗ trợ vn xử lý rác thải
Sản xuất điện từ bã mía

Số liệu thực tế mới nhất cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 93 triệu dân, trong đó trung bình mỗi người thải ra 1,2 kg chất thải rắn mỗi ngày và khoảng 16% trong số đó là rác thải nhựa, phần lớn số rác thải này sẽ bị trôi ra sông và biển. Việt Nam cũng mong muốn nhanh chóng phát triển các giải pháp xử lý rác thải để có thể giải quyết 3 triệu tấn phế thải và chất thải nguy hại nhập khẩu mỗi năm.

Các chuyên gia Phần Lan cũng cho rằng việc thắt chặt chính sách nhập khẩu phế liệu ở một vài quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã vô tình khiến Việt Nam trở thành bãi đáp của hàng tấn phế liệu. Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, tính đến tháng 5/2018 có gần 28.000 container chứa dây điện, thiết bị gia dụng, vải và xe hơi đã qua sử dụng đang bị “bỏ quên” tại các cảng biển trên khắp Việt Nam. Thay vì chiếm phần lớn không gian tại các cảng biển chính trên cả nước, các loại rác thải này có thể được biến đổi thành điện năng để phục vụ nhu cầu điện của các hộ gia đình cũng như các DN trong nước.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, việc vận hành các ngành nông nghiệp và sản xuất tại Việt Nam cũng tạo ra các chất thải nguy hại, nhưng trong đó vẫn có chất thải có thể tái sử dụng để biến đổi thành năng lượng sạch từ các bã thải nông nghiệp từ sắn, dừa, cà phê, mía, gỗ...

Cụ thể với nguồn thải bã mía trong ngành công nghiệp mía đường, tháng 4/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về việc tăng trưởng và phát triển bền vững cho ngành mía đường. Đây là hướng phát triển hoàn toàn phù hợp khi ngành công nghiệp mía đường đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nội địa tại Việt Nam cũng như sở hữu tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển luôn đi đôi với tình trạng gia tăng lượng rác thải.

"Phần Lan luôn có các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, và chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn để có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề trên"- ông Liuksia chia sẻ.

Hiện nay một số DN Phần Lan như công ty BMH chuyên xử lý chất thải rắn; Công ty Fortum chuyên sản xuất năng lượng sạch cung cấp các giải pháp sưởi ấm, làm mát, tái chế, xử lí chất thải cho các thành phố và các ngành công nghiệp; Công ty Simosol Oy chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá nguồn tài nguyên rừng, nghiên cứu tính khả thi của các dự án nông lâm nghiệp và năng lượng sinh học... đang nghiên cứu thực hiện các chương trình hợp tác phát triển tại Việt Nam.

Bà Minna Vilkuna, đại diện của BMH cho biết tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh tại Việt Nam dẫn đến tình trạng chất thải rắn đô thị đang gia tăng đáng kể. Theo đó, ước tính có đến 76- 82% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý tại các bãi rác và bãi chôn lấp nằm chủ yếu tại các đô thị và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, BMH hiện đang thảo luận các phương pháp khả thi để hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu lượng rác thải thông qua việc biến đổi thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia.