Bà Rịa - Vũng Tàu: Khó xử lý triệt để các “điểm nóng” về môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 17:37, 18/10/2018

(TN&MT) - Thời gian qua, mặc dù tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định được các “điểm nóng” về môi trường, việc xử lý triệt để các “điểm nóng” này lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó, không những làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
ria2
Việc xả khí thải của Nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 đang làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường cao

Tập trung xử lý 10 “điểm nóng” 

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 27 ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT). UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng”  về môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2018.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, có 10 “điểm nóng” về môi trường cần được tập trung xử lý như: Hoạt động xử lý chất thải của các cơ sở chăn nuôi ở thượng nguồn hồ Đá Đen, thượng nguồn các hồ cấp nước sinh hoạt; Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; các nhà máy phát sinh khí thải công nghiệp lớn trong KCN; chế biến hải sản Khu vực Cửa Lấp (huyện Long Điền, TP.Vũng Tàu); các cơ sở chế biến cao su, tinh bột mỳ; khai thác, chế biến khoáng sản…

Theo đó, tại mỗi hoạt động của các các “điểm nóng” về môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm. Cụ thể, đối với hoạt động chế biến hải sản Khu vực Cửa Lấp. Theo khảo sát hiện trạng thì tại Khu vực Cửa Lấp có 131 cơ sở được thông kê đưa vào danh sách, bao gồm 22 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong Quyết định số 1788⁄QĐ-TTg ngày 01⁄10⁄2013 của Thủ tướng Chính Phủ.

Để cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường Khu vực này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Sở TN&MT, Công an tỉnh, UBND TP.Vũng Tàu và UBND huyện Long Điền tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chế biến hải sản thuộc thẩm quyền, thanh tra kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở; hoàn tất các thủ tục đầu tư Khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền để di dời các cơ sở chế biến hải của huyện Long Điền; rà soát, nghiên cứu vị trí đề xuất Khu chế biến hải sản tập trung cho TP.Vũng Tàu để di dời các cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động ở TP.Vũng Tàu.

Đối với hoạt động của các nhà máy phát sinh khí thải công nghiệp lớn trong KCN; hiện nay, tại các KCN thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều loại hình sản xuất như: luyện, cán thép, sản xuất gạch men, giấy, đạm, nhuộn,… có lượng phát thải khí thải công nghiệp lớn như: loại hình sản xuất hóa chất có 04 nhà máy; sản xuất giấy có 01 nhà máy; sản xuất thép (luyện phôi thép và sản xuất thép các loại) có 22 dự án.

Trong đó có 06 nhà máy luyện phôi thép bằng lò điện hồ quang đang hoạt động; 11 nhà máy sản xuất thép các loại đang hoạt động… Tất cả các nhà máy trên đang nằm trong danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do vậy, để kiểm soát được nguy cơ ô nhiễm, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở TN&MT phối hợp với các ngành chức năng tăng cường rà soát, yêu cầu các nhà máy đầu tư quan trắc tự động nước thải, khí thải để truyền số liệu về Trung tâm quản lý của tỉnh nhằm theo dõi theo, quản lý theo quy định.

ria1
Chưa thể di dời các cơ sở chế biến hải sản ở huyện Long Điền vào khu chế biến hải sản tập trung

Còn nhiều khó khăn trong xử lý

Ông  Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng cho biết: Mặc dù thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa được xử lý triệt để, còn gây bức xúc cho người dân. 

Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, nguyên nhân chính là do công tác thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án về BVMT của một số ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, thiếu tính phối hợp. Một số địa phương, nhất là chính quyền cấp xã chưa quan tâm ngăn chặn các cơ sở sản xuất xây dựng không phép, dẫn đến khi hoạt động gây ô nhiễm. Một số công trình trọng điểm để khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường thời gian qua triển khai chậm nên không thể di dời cơ sở gây ô nhiễm …dẫn đến tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sản xuất một số loại hình, khu vực chưa được khắc phục triệt để.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, đề án xử lý ô nhiễm môi trường đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, tuy nhiên nguồn kính phí chưa đáp ứng nên việc cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại một số khu vực còn chậm, chưa mang lại kết quả như mong muốn. Ngoài ra, hiện nay, nhận thức, ý thức trách nhiệm về BVMT của các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở quy mô hộ gia đình, nhỏ còn hạn chế, nhiều cơ sở chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm đến công tác BVMT nên vẫn còn nhiều cơ sở xả nước thải trực tiếp ra môi trường...