Quảng Nam: Khởi động Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - Giai đoạn 2”

Tin tức - Ngày đăng : 20:43, 08/10/2018

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 2961/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hoạt động Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - Giai đoạn 2” năm 2018.

Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC) được thực hiện tại các địa phương vùng núi bao quanh bởi các rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, nhằm tăng cường hợp tác và quản lý xuyên biên giới các hệ sinh thái rừng giữa các quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia) trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản và Tổng cục Môi trường là chủ dự án.
 

Dự án sẽ giải quyết vấn đề phân mảnh của các cảnh quan rừng tại Quảng Nam.
Dự án sẽ giải quyết vấn đề phân mảnh của các cảnh quan rừng tại Quảng Nam.

Dự án chủ yếu được thực hiện tại các xã vùng núi thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế địa phương; tạo sự ổn định bền vững của dịch vụ hệ sinh thái và hành lang đa dạng sinh học.  

Tại Quảng Nam, Dự án BCC được triển khai thực hiện tại 2 huyện Nam Giang và Tây Giang trong năm 2018 với 4 hợp phần cụ thể: Hợp phần 1: Tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng; Hợp phần 2: Cải tạo, bảo vệ và quản lý bền vững hành lang đa dạng sinh học; Hợp phần 3: Cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tấng quy mô nhỏ; Hợp phần 4: Quản lý dự án. Nguồn kinh phí thực hiện Dự án từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
 

Bản làng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyệnTây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Bản làng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyệnTây Giang, tỉnh Quảng Nam. 

Mục tiêu dài hạn là thiết lập được hệ thống hành lang đa dạng sinh học, phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề phân mảnh của các cảnh quan rừng tại Quảng Nam có tính đa dạng sinh học cao; tăng cường an ninh lương thực, nước sạch, giao thông và thủy điện, thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên bền vững, đồng thời đem lại lợi ích sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số chiếm trên 77% tại 2 huyện Nam Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. 

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Ban quản lý Dự án BCC Quảng Nam phân bổ nội dung kế hoạch cho các đơn vị liên quan tiến hành triển khai thực hiện. Đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban quản lý Dự án BCC Quảng Nam tổ chức quản lý, giám sát mọi hoạt động thuộc Kế hoạch được phê duyệt theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Địa phương thực hiện Dự án BCC là huyện Nam Giang và Tây Giang có trách nhiệm chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện các nội dung được phân bổ theo kế hoạch, đảm bảo đúng quy định của Dự án và quy định hiện hành của Nhà nước; chịu trách nhiệm trước Ban Quản lý Dự án BCC tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện các hoạt động Dự án trên địa bàn phụ trách.