Giải bài toán rác thải nông thôn ở tỉnh Bình Định - Kỳ 2: Nhiều bãi chôn lấp rác thải hoạt động chưa như kỳ vọng
Tin tức - Ngày đăng : 10:08, 04/10/2018
(TN&MT) - Thời gian qua, nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và một số nhà máy xử lý, tái chế rác được đầu tư xây dựng ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, hầu hết các công trình có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế nên hiệu quả còn thấp.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã xây dựng và đưa vào vận hành 5 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (BCL CTRSH) hợp vệ sinh gồm: BCL Long Mỹ tại Khu xử lý CTR tập trung Long Mỹ (TP Quy Nhơn); BCL Tôm Zang tại xã Cát Hiệp (Phù Cát); BCL huyện Hoài Nhơn tại khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn; BCL huyện Phù Mỹ tại thôn Gia Hội, xã Mỹ Phong và BCL huyện Tây Sơn tại thôn Phú An, xã Tây Xuân. Các BCL CTR này tuy đã đi vào vận hành, nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường do công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh
Hiện BCL CTRSH Long Mỹ đã đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác sơ bộ (dùng vôi bột kết hợp lắng) trước khi bơm nước rỉ rác về nhà máy xử lý nước thải tập trung (Nhà máy 2A) của TP Quy Nhơn xử lý. Tuy nhiên, thời gian qua, nước rỉ rác sau khi được xử lý sơ bộ không đạt theo tiêu chuẩn quy định.
Còn BCL CTRSH huyện Phù Cát đã đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác tập trung, nhưng công suất không phù hợp, có hiện tượng quá tải trong mùa mưa. Kết quả phân tích nước rỉ rác sau xử lý của nhà máy cho thấy một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn từ 1,01 - 3,50 lần. Hiện nay, nước rỉ rác sau khi xử lý được lưu chứa trong khuôn viên nhà máy; tuy nhiên, về lâu dài có nguy cơ phát tán ra môi trường bên ngoài.
Trong khi đó, các BCL CTRSH huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Tây Sơn cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác; nhưng các hệ thống vẫn trong giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa đánh giá chính xác hiệu quả xử lý. Nước rỉ rác tại các bãi rác này đang được chứa tạm trong các hệ thống xử lý và có nguy cơ phát tán ra bên ngoài trong những thời điểm có mưa lớn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 5 BCL CTR không nằm trong quy hoạch, gồm: BCL Trường Xuân (Hoài Nhơn), BCL Gò Trại (Phù Cát), BCL núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn), BCL tạm TX An Nhơn, BCL thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân). Các BCL CTR trên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nên hiện nay đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, việc đóng cửa các BCL này chưa được thực hiện đúng theo quy trình và yêu cầu kỹ thuật; chưa thực hiện thường xuyên công tác quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường sau khi đóng cửa BCL.
Ngoài ra, còn có 3 đơn vị thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt làm phân compost là Nhà máy phân compost Long Mỹ tại BCL Long Mỹ hoạt động với công suất 5 tấn/ngày; Nhà máy chế biến rác thải Duy Anh nằm ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn) và HTX Nông nghiệp Nhơn Phú hoạt động với công suất 1 tấn/ngày. Tuy nhiên, các nhà máy này đều có điểm chung là hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng và buộc phải dừng hoạt động do gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT).
Ông Phan Thành Giản, Phó Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, nhìn nhận: Việc đầu tư cho công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh dù được địa phương quan tâm, song còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tại các BCL rác thải, công tác vận hành BCL và xử lý ÔNMT chưa được thực hiện đồng bộ và chú trọng nên đã gây ra tình trạng ÔNMT. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Sở, ngành và các địa phương còn chồng chéo, thiếu hiệu quả; chưa có mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đạt được tiêu chí môi trường, KT - XH phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Nhiều hệ lụy!
Thực tế cho thấy, các BCL CTR trên địa bàn tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng, song công năng hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Một điểm đáng lưu ý nữa, là tỉ lệ thu gom CTRSH nông thôn trên địa bàn tỉnh này cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT Bình Định), cho biết: Tỉ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn đạt thấp là do chính quyền cấp huyện chưa quy hoạch đồng bộ hoạt động thu gom; chưa xác định địa điểm và xây dựng các khu vực trung chuyển CTRSH. Ngoài ra, địa bàn nông thôn rộng, dân cư phân tán, nhiều tuyến giao thông nhỏ hẹp... nên khó khăn cho hoạt động thu gom. Không ít người dân ở nông thôn còn hạn chế về ý thức vệ sinh môi trường; vứt rác thải ra nơi cộng cộng hoặc tự xử lý (chôn, đốt) trong vườn nhà. Thực trạng này không chỉ gây mất cảnh quang nông thôn, mà còn khiến môi trường bị ô nhiễm nặng; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của nhiều người dân.
Theo Sở KH&CN Bình Định, thì: CTRSH là hỗn hợp của rất nhiều loại phát sinh từ các nguồn như: hộ gia đình, chợ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh... Các loại CTRSH có chứa chất hữu cơ, dưới điều kiện môi trường nắng nóng sẽ phân hủy, phát sinh mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) không khí. Bên cạnh đó, khi trời mưa, nước từ các loại CTRSH (nhất là các loại bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật) chảy tràn lan, gây ô nhiễm nguồn nước mặt; đồng thời, ngấm xuống đất làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Khi người dân sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, chất ô nhiễm đi vào cơ thể, tích lũy qua thời gian sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với loại chất thải là bao bì ni-lông, khi vứt bừa bãi ra môi trường, không xử lý đúng quy định sẽ gây tác hại vô cùng lớn cho môi trường và con người. Đáng báo động, bao bì ni-lông lại chiếm tỉ lệ rất lớn trong các loại CTRSH phát sinh hàng ngày ở khu vực nông thôn. Bao bì ni-lông là tác nhân chứa vi khuẩn gây bệnh, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, ÔNMT. Đặc biệt, khi bao bì ni-lông bị đốt, khí đi-ô-xin thải ra có thể gây ngộ độc, khó thở, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết; giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.
(Còn tiếp)