Sẽ công bố kết quả quan trắc môi trường của 2 nhà máy thép ô nhiễm ở Đà Nẵng
Tin tức - Ngày đăng : 16:59, 29/09/2018
Theo ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, ngày 26/3 vừa qua TP đã cho phép hai nhà máy được hoạt động tạm thời trong sáu tháng để giải quyết hết hàng tồn kho. Trong thời gian này, Đà Nẵng yêu cầu hai nhà máy không ký kết thêm các hợp đồng mua nguyên liệu và phế liệu để sản xuất thép.
Ông Nam cho hay Đà Nẵng chỉ đạo thành lập hai tổ công tác. Một tổ giám sát hoạt động của hai nhà máy do giám đốc Sở Công Thương làm tổ trưởng. Một tổ giám sát về lĩnh vực môi trường do giám đốc Sở TN&MT làm tổ trưởng. Liên tục từ ngày 3/4 đến nay, riêng Sở TN&MT chia làm hai ca giám sát. Một ca từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, một ca từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Ngoài ra, UBND TP cũng đã liên hệ Bộ TN&MT để mời đơn vị quan trắc độc lập đánh giá hoạt động của hai nhà máy trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường. “Dự kiến đến ngày 3/10 tới đây, chúng tôi sẽ có kết quả quan trắc. Quan điểm của TP cũng phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam. Đối với hoạt động của hai nhà máy nếu vượt tiêu chuẩn cho phép, vượt ở công đoạn nào, bộ phận nào thì rõ ràng phải dừng hoạt động để khắc phục. Nếu không khắc phục được thì phải di dời. Đó là quan điểm cương quyết của lãnh đạo TP”- ông Nam nói.
Liên quan đến vấn đề này, Báo TN&MT đã thông tin trước đó, trong một thời gian dài, Nhà máy Thép Dana Ý (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời hoặc hộ dân, hoặc nhà máy nhưng chưa thấy động thái tiếp theo từ chính quyền.
Tháng 12/2016, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng từng về đối thoại với dân tại Hòa Liên. Trước buổi đối thoại này, người dân đã bao vây cổng nhà máy trong hai ngày liền để phản đối.
Việc 2 Nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) gây ô nhiễm, khiến người dân bao vây để đòi di dời nhà máy trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Việc ô nhiễm kéo dài cả chục năm nay nhưng chính quyền và người dân vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Sự việc này dấy lên nhiều hoài nghi trong dư luận, trước dư luận lên tiếng mạnh mẽ, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã từng thống nhất chủ trương không để nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên; đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana Ý và Công ty Cổ phần thép Dana Úc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường. Giao Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc ngừng hoạt động nêu trên.
Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng thông báo với người dân việc 2 nhà máy thép trên sẽ được cho phép hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng từ ngày 26/3. Được biết, việc cho nhà máy hoạt động trở lại nhằm tạo điều kiện để "làm nốt việc" đang dang dở và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh theo quy định của pháp luật.