TP.HCM: Cần 46.000 tỷ đồng để xây dựng 07 nhà máy xử lý nước thải đô thị

Tin tức - Ngày đăng : 15:12, 26/09/2018

(TN&MT) - Hiện nay, TP.HCM mới chỉ có 03 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đáp ứng xử lý được một phần nhỏ trong tổng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị hàng ngày của Thành phố. Để xử lý được toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày, UBND TP.HCM đang kêu gọi đầu tư mới 07 nhà máy xử lý, tổng vốn dự kiến khoảng gần 46.000 tỷ đồng.
anh 1
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng (huyện Bình Chánh) giai đoạn 1 có công suất xử lý 141.000m3/ngày

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020  của TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá, TP.HCM sẽ không thể thể đạt được mục tiêu này. Lý do là, để xử lý được nước thải sinh hoạt đô thị lại phục thuộc vào các giải pháp công trình, tức là hệ thống thu gom và các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Trong khi đó, đến nay, TP.HCM mới xây dựng và đưa được 03 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung vào hoạt động. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có công suất giai đoạn 1 là 141.000 m3/ngày, nhằm phục vụ cho 425.000 dân, thuộc lưu vực quận 1,3,5 và một phần quận 10; Trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) có công suất xử lý 30.000 m3/ngày đêm.

Như vậy, 02 nhà máy này mới chỉ xử lý được khoảng 13% tổng khối lượng nước thải sinh hoạt của TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM cũng mới đưa Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) tại phường An Phú Đông, quận 12, với công suất 131.000 m3/ngày, xử lý nước thải cho lưu vực có diện tích hơn 2.000 ha, bao gồm các quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, dân số phục vụ khoảng 700.000 người… vào vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.

Trong khi đó, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM, đến năm 2015, TP.HCM sẽ hoàn thành việc xây dựng 12 dự án Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đạt mục tiêu tổng lượng nước thải được xử lý khoảng 03 triệu m3/ngày.

anh 2
Mặc dù kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã được cải tạo hoàn chỉnh nhưng nước thải sinh hoạt lưu vực này vẫn chưa được xử lý

“Hiện nay, tại những khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt của người dân trong khu vực được thải trực tiếp ra hệ thống kênh rạch gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Muốn giải quyết được tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt thì bắt buộc phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định.

Trước tình trạng không thể hoàn thành được chỉ tiêu đến đến năm 2020 có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường, Sở TN&MT đã đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu này, đồng thời kiến nghị UBND TP.HCM sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung.

Tại Hội nghị mời gọi nhà đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải mới đây, UBND TP.HCM đã chính thức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào 07 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, với tổng cống suất xử lý 1.160.000 m3/ngày,  tổng vốn đầu tư gần 46.000 tỷ đồng. Các nhà máy này phải đảm bảo  yêu cầu đề ra về mặt công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như đảm bảo mở rộng tương lai.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư 07 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo hình thức hợp đồng công tư  với mô hình BTL – BLT: Kết hợp quá trình xây lắp, vận hành - thuê dịch vụ, chuyển giao trong đó chi phí  đầu tư và vận hành - thuê dịch vụ được chi trả  nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước. Dự kiến, giá dịch vụ thoát nước sẽ được TP.HCM hoàn thành trong năm 2018.
 

07 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đang được UBND TP.HCM mời gọi đầu tư:

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, công suất 150.000 m3/ngày và 01 trạm bơm, 01 hệ thống cống bao tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú; tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải các quận Tân Phú, 12, Gò Vấp, Tân Bình.

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân, công suất 180.000 m3/ ngày và 01 trạm bơm và 01 hệ thống cống bao tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân; tổng mức đầu tư dự kiến 9.804 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của quận Bình Tân, Tân Phú.

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gồm, công suất 300.000 m3/ngày và 01 trạm bơm và 01 hệ thống cống bao tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; tổng mức đầu tư dự kiến 6.395 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của quận 6, 8, 11, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh.

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1, có công suất 170.000 m3/ngày và 03 trạm bơm, 01 hệ thống cống bao tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức; tổng mức đầu tư dự kiến 5.544 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của quận Thủ Đức.

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 2, công suất 130.000 m3/ngày; tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của quận 9.

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Rạch Dừa Cầu, công suất 100.000 m3/ngày tại huyện Hóc Môn; tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt quận 12 và huyện Hóc Môn.

Nhà máy xử lý nước thải Tây Bắc, công suất 130.000 m3/ngày tại huyện Củ Chi; tổng mức đầu tư dự kiến 6.000 tỷ đồng… thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của huyện Hóc Môn và Củ Chi.