Hà Nội: Rà soát và xử lý toàn bộ cơ sở ô nhiễm môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 12:34, 24/09/2018

(TN&MT) – Ngay trong năm nay, thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý vi phạm và yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm.

Sáng nay (24/9), Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2018 bàn về hai nội dung quan trọng: “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

cơ sở gây ô nhiễm mt
Trong năm nay, Hà Nội sẽ rà soát lại toàn bộ danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường. Ảnh: Internet

Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.

Nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế tiếp tục được cải thiện; các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm đã được quyết định chủ trương đầu tư, đang được đẩy nhanh tiến độ, hướng tới mục tiêu đưa vào vận hành trong năm 2020 như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; 2 nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn. Thành phố đã xử lý ô nhiễm nguồn nước tại 132 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; lắp đặt bè thủy sinh, máy sục khí, nạo vét bùn ở 118 hồ.

Đặc biệt, thành phố đã triển khai cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm và nạo vét bùn hồ Tây. Việc thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ. Tính đến tháng 8-2018, toàn thành phố đã trồng được 845.400 cây xanh. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố từng bước giảm.

Hà Nội đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc không khí cho thành phố gồm 34-37 trạm; đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và công bố công khai kết quả quan trắc trên website của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phố cũng thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) và nhân rộng mô hình này.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ, nhất là các dự án đầu tư, còn chậm so với tiến độ thành phố giao. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu của nghị quyết kết quả triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thời gian tới, thành phố xác định 3 nhóm giải pháp chung, 4 nhóm giải pháp cụ thể tương ứng nhằm xử lý chất thải rắn, ô nhiễm nước và cấp nước sạch, ô nhiễm không khí; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Trong đó, thành phố ưu tiên đẩy nhanh xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu và xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào hai sông trên và các sông Sét, Lừ, Cầu Bây.

Đáng chú ý, ngay trong năm nay, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý vi phạm và yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm. Nếu sau thời hạn, các cơ sở không có giải pháp xử lý ô nhiễm, các sở, ngành sẽ báo cáo, đề xuất phương án đình chỉ hoạt động sản xuất.