Điện Biên: Suy giảm mạnh diện tích rừng - nhân tố làm biến đổi khí hậu

Tin tức - Ngày đăng : 16:41, 20/09/2018

(TN&MT) - Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, nguyên nhân dẫn đến tình hình suy giảm diện tích rừng do chặt phá, cháy rừng, chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp. Việc suy giảm diện tích rừng là một trong những nhân tố chính dẫn đến biến đổi khí hậu.

 

Ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Phụ trách Đài khí tượng thủy văn, tỉnh Điện Biên, cho biết: Tình hình thời tiết khí hậu tại Điện Biên những năm trở lại đây có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi do nồm hoặc khí hậu không có sự phân vùng rõ rệt mà na ná như ở miền xuôi; nắng thì rất nắng và mưa cũng rất nhiều, kèm theo lũ ống, lũ quét ở một số khu vực như: Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ.
 

Việc suy giảm diện tích rừng là một trong những nhân tố gây biến đổi khí hậu
Việc suy giảm diện tích rừng là một trong những nhân tố gây biến đổi khí hậu

 

Một trong những nguyễn nhân dẫn đến những thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu Điện Biên chính là sự suy giảm diện tích rừng. Tính từ năm 2012 đến nay, tỉnh Điện Biên có 70 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất nông nghiệp. Tổng diện tích rừng và đất nông nghiệp chuyển đổi là 636,8ha. Trong đó, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có 35 dự án; tổng diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích là 511,3ha (bao gồm 1,8ha rừng đặc dụng; 226,7ha rừng phòng hộ; 282,8ha rừng sản xuất).

 

Chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp có 35 dự án; tổng diện diện tích đất lâm nghiệp đã chuyển đổi là 125,4ha (bao gồm 49,3ha rừng phòng hộ; 76,2ha rừng sản xuất)

 

Tình trạng chặt phá rừng trái phép của địa phương này diễn biến khá phức tạp. Tính riêng giai đọa 2016 – 2018 đã có 747 vụ chặt phá rừng, gây thiệt hại rừng sản xuất là 227,32ha, đã xử lý, tịch thu 258,55m3 gỗ các loại, 70,565kg lâm sản. Tổng số nộp ngân sách trên 5.540 triệu đồng. Riêng năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra 13 vụ cháy rừng do nắng nóng, hạn hán, khô hanh làm thiệt hại 7,4ha rừng.