Điện Biên: Tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Tin tức - Ngày đăng : 16:09, 12/09/2018
Những năm qua, công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được duy trì, kiểm tra, xử lý thường xuyên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong tỉnh.
Thực hiện Luật Khoáng sản, đến nay, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt 55 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho 38 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản với tổng số tiền được phê duyệt là 146.205.584.826 đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 27.585.483.117 đồng. Cùng với đó, cấp 33 Giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 33 điểm mỏ; cấp 36 Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 31 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Trong quá trình khai thác, các chủ dự án đã thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ.
Không phủ nhận những đóng góp từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tuy nhiên việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên những năm qua vẫn còn một số tồn tại: Nguồn tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, môi trường bị xâm hại...
Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có rất ít doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến. Hầu hết không có hệ thống thu bụi, dẫn tới hàm lượng bụi tại nơi cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, yêu cầu trước tiên là thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn phải thực hiện lập báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản.
Được biết, trong giai đoạn 2007-2017, đối với hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh Điện Biên đã thẩm định, phê duyệt 22 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xác nhận 12 kế hoạch bảo vệ môi trường; phê duyệt 34 dự án, phương án cải tạo phục hồi môi trường. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép cơ bản đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; tổng số tiền ký quỹ của các tổ chức, cá nhân là 14.685 triệu đồng, số tiền ký quỹ của các tổ chức, cá nhân đã nộp là 2.569 triệu đồng. Tuy nhiên, việc nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị khai thác khoáng sản còn chậm và chưa đầy đủ so với quy định.
Trong giai đoạn 2007-2017, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường hơn 100 lượt đối với 51 cơ sở, doanh nghiệp có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt với tổng số tiền phạt là 438.000.000 đồng.
Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng khoáng sản không chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.