Tiền Giang: Quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh, rạch

Tin tức - Ngày đăng : 22:35, 10/09/2018

(TN&MT) - Suốt 02 tháng qua, tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt ra quân trục vớt lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch nhằm đảm bảo thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Phương án về quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
H1
Trên 10 triệu m2 lục bình đã được trục vớt

Theo báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, từ ngày 07/7 đến ngày 31/8/2018, toàn tỉnh Tiền Giang đã huy động gần 61.500 lượt người tham gia trục vớt, trục đẩy lục bình ở các tuyến sông, kênh, rạch được khoảng 10 triệu m2, đạt 88% kế hoạch. Trong đó, tuyến kênh, rạch do tỉnh Tiền Giang quản lý khoảng 3,7 triệu m2; tuyến kênh, rạch do địa phương (huyện, xã) quản lý khoảng 6,3 triệu m2.

Cuộc ra quân trục vớt lục bình có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang; sự hưởng ứng, tham gia của đoàn viên thanh niên, hội viên, cán bộ công chức, viên chức và sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân; đặc biệt là có sự chuẩn bị chu đáo từ cấp tỉnh đến cấp xã, và sự phối hợp chặt chẽ của Công ty TNMH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đã góp phần cho việc triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan.

Hiện nay, lòng sông, kênh, rạch trên địa bàn Tiền Giang cơ bản đã được thông thoáng, không còn tình trạng lục bình dày đặc như trước. Để duy trì hiện trạng thông thoáng lòng sông, kênh, rạch trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Phương án với mục tiêu đảm bảo lòng sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh luôn được thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,... góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo Phương án, UBND tỉnh Tiền Giang giao Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh có biện pháp hạn chế lục bình vào các vùng dự án khép kín. Chịu trách nhiệm trục vớt, trục đẩy duy trì các tuyến kênh. Thường xuyên tổ chức xả lục bình trong điều kiện cho phép. Thông báo kịp thời cho địa phương biết lịch xổ, xả để chủ động phối hợp khi tổng xả. Tổ chức kiểm tra và có kế hoạch vận hành công trình tiêu thoát nước ở những đoạn kênh bị ô nhiễm nguồn nước…

UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi và thực hiện trục vớt lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch theo phân cấp quản lý và kể cả các tuyến kênh do Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý đi qua địa bàn của địa phương luôn được thông thoáng, không để tái diễn tình trạng lục bình trở lại.

H2
Lòng sông, kênh, rạch trở nên thông thoáng

UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi và thực hiện trục vớt lục bình trên các tuyến kênh, rạch trên địa bàn. Chủ động kiểm tra phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân xả chất thải, rác thải vào lòng sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng nguồn nước, tránh để tái diễn tình trạng lục bình phát triển nhanh trên các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai, không gây cản trở dòng chảy, không thực hiện các hoạt động vi phạm các quy định về thủy lợi, phòng chống thiên tai, đê điều. Phối hợp xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm các quy định về lĩnh vực phụ trách.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện. Trường hợp đơn vị, địa phương nào chậm thực hiện để lục bình tái diễn trở lại, cũng như để các tổ chức, cá nhân xả chất thải vào lòng sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cản trở dòng chảy, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.