Thái Bình: Doanh nghiệp dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 20:54, 20/08/2018
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng: hoạt động nấu, giặt tẩy, nhuộm phát sinh nước thải của 6 doanh nghiệp trên có hàm lượng chất rắn lửng, ôxy hóa, sulfua vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 3 đến 10 lần, nồng độ ô nhiễm quá cao, gây bức xúc cho người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, các công đoạn giặt, tẩy, nhuộm đều được làm thủ công nên rất độc hại và gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, nguy hại nhất là nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, nhiều nhà 4 - 5 lần đào giếng mà vẫn không sử dụng được. Do đó, ngày 20/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động nấu, giặt tẩy, nhuộm phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, trước đó, có 4 cơ sở trong khu dân cư bị kiểm tra và và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, ngày 5/7/2018, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 4 cơ sở này tự ý tháo gỡ niêm phong, hoạt động nấu, giặt tẩy, nhuộm khi không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Theo đó, 4 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính số tiền trên 300 triệu đồng. Năm 2013 tỉnh Thái Bình có quyết định buộc di dời, ngừng cung cấp điện, nước, xử phạt hành chính đối với 4 cơ sở trong khu dân cư. Tuy nhiên đến nay, các tổ chức này không chấp hành, vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Được biết, năm 2013 UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà tại Cụm công nghiệp Thái Phương trên diện tích 39.935 m2 tại CCN Thái Phương. Trong đó, cụm thiết bị xử lý nước thải công suất 800 m3/ngày đêm. Theo UBND huyện Hưng Hà, đến nay dự án hoàn thành 99%. Phần thiết bị cơ bản hoàn thành lắp đặt. Tuy nhiên đến nay, hệ thống vẫn chưa vận hành thử nghiệm để nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng do chưa có nước thải đấu nối về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụm công nghiệp và hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa có thủ tục hành chính về môi trường. Tại làng nghề dệt Thái Phương, huyện Hưng Hà hiện có 10 cơ sở hoạt động nấu, giặt tẩy, nhuộm. Trong đó có 6 doanh nghiệp tại CCN Thái Phương và 4 cơ sở trong khu dân cư.