Sông Hương nhếch nhác, ngập tràn rác thải sau lễ hội Điện Hòn Chén
Tin tức - Ngày đăng : 21:19, 21/08/2018
Từ ngày 18/8 đến 20/8, hàng ngàn người dân địa phương cũng như du khách đã về dự lễ hội điện Hòn Chén (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Điện Hòn Chén ra đời vào thế kỷ thứ 16, nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Theo thông lệ, lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức hai lần mỗi năm vào tháng ba và tháng bảy âm lịch nhằm tưởng nhớ công ơn của thánh mẫu Thiên Y A Na.
Được tổ chức khá quy mô, lễ hội được xem như một Festival văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc thuyền với cờ phướn, hương án đủ màu sắc hành hương về Điện Hòn Chén.
Tại khu vực Điện và trên sông trước Điện diễn ra đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu tuần du từ làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sinh, phóng đăng, cùng với các làn điệu chầu văn xứ Huế. Trong những ngày này, có đến 60 châu, bằng, hương án đăng ký dâng hương và tham gia đoàn rước của lễ hội.
Ghi nhận của PV tại khu vực lễ hội, người chật như nêm, khói hương nghi ngút, ai cũng cố gắng vào bên trong để cố khấn vái. Tình cảnh một số người già và trẻ em bị xô ngã, quần áo ướt lem nhem, mâm lễ vật văng tơi tả... liên tục diễn ra. Những chuyến đò thuyền chở đầy ắp người hết sức nguy hiểm.
Rác thải tràn ngập khắp nơi, nhất là khu vực sông Hương bao quanh điện Hòn Chén, dễ dàng thấy vàng mã và bao bì ni lông là nhiều nhất.
Điều này người dân lý giải là quan niệm đốt vàng mã, thả áo giấy, lễ vật xuống sông để cho thủy thần, các sinh linh đuối nước có áo quần mặc. Vì thế tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Hương luôn luôn xảy ra mỗi khi có lễ hội.
Ngoài ra, hàng ngàn người đã dựng lều bạt trên các khu đất chung quanh điện, tổ chức “lên đồng”, ăn uống, xả rác bừa bãi... tạo nên quan cảnh nhếch nhác cho dòng sông Hương. Mỗi lần lễ hội này trôi qua là hàng nghìn tấn vàng mã được thải xuống sông.
Được biết, để chuẩn bị tốt cho lễ hội, trước đó đơn vị tổ chức là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chuẩn bị, đầu tư một số công tác như an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, phương tiện, thiết bị vận chuyển, cứu hộ... Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn liên tiếp xảy ra.
Đáng tiếc, ngay trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội (18/8), đã có một nam khách hành hương thiệt mạng do bị sỉa chân xuống nước trong khi xem hầu đồng; dù đã được những người xung quanh ứng cứu nhưng không kịp. Được biết đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc này tại lễ hội.
“Mặc dù lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở dân và du khách nhưng họ vẫn vứt vàng mã xuống sông Hương, dẫn đến việc khó kiểm soát mà đợi sau khi xong lễ mới dọn”, một nam bảo vệ của lễ hội chia sẻ.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, trước khi chương trình khai hội diễn ra, Trung tâm đã lên phương án nhằm giảm bớt việc người dân đốt và thả vàng mã xuống sông. Cụ thể, cùng với việc xây dựng lò đốt vàng mã, Trung tâm còn tổ chức vận động người dân, các chủ thuyền đi lễ không được thả vàng mã xuống sông Hương. Tuy nhiên, kết quả chưa được mong muốn...
Với những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn nói trên, đã đến lúc chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cần quản lý chặt chẽ hơn; tìm biện pháp mạnh, phục vụ tốt... để thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan, thưởng thức một nét đẹp văn hóa của dân tộc.