Sơn La: Kiểm tra việc bảo vệ môi trường với 7 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê
Tin tức - Ngày đăng : 22:22, 08/08/2018
HTX Mường Chanh đi vào hoạt động sơ chế, chế biến cà phê từ năm 2017. Ngay trong niên vụ này, lực lượng chức năng đã phát hiện tại các hồ chứa nước thải sơ chế cà phê của HTX Mường Chanh có các đường ống xả thải chôn ở đáy hồ. Nước thải trong hồ chảy trực tiếp ra hệ thống mương ruộng của người dân, trước khi chảy ra suối Nặm Chanh cách đó không xa. Tiếp đó, chảy về suối Nậm La gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Dẫn tới Trạm cấp nước số 2 tại bản Kham, xã Hua La, Thành phố Sơn La thuộc Xí nghiệp cấp nước Thành phố Sơn La đã phải ngừng cấp nước do ô nhiễm.
Tại buổi làm việc, đại diện HTX Mường Chanh cho biết: Niên vụ cà phê 2018-2019, HTX dự kiến thu mua khoảng 5.000 tấn quả tươi. HTX đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 100m3/ngày đêm, bể biogas 9.000 m3; bể chứa trung gian, dự kiến 20/8 sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thiện và chạy thử máy, HTX sẽ mời các cơ quan liên quan kiểm tra cho phép hoạt động mới đi vào sản xuất.
Đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra thực địa việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị. Hiện hệ thống đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện, chưa có hệ thống nhà xưởng chứa vỏ cà phê.
Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá: Tại thời điểm kiểm tra, việc triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải của đơn vị chưa đạt yêu cầu. Khu vực này sát luôn nguồn nước ở suối, việc xả trộm, sự cố vỡ hồ đập là có khả năng xảy ra, không thể chủ quan, do đó yêu cầu HTX nghiêm túc triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chấp hành đầy đủ theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Vận hành chạy thử hệ thống, lấy mẫu nước thải để phân tích đạt quy chuẩn xả thải mới được đi vào sản xuất. Lắp đồng hồ đo lưu lượng nước vào và nước xả thải ra. Giao Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đơn vị hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trước khi vào niên vụ.
Trước đó, ngày 6-7/8, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 6 cơ sở sơ chế có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước tại nhà máy nước số 1 bao gồm: Hộ kinh doanh Quàng Văn Hồng - Bản Lậu Khẩu, xã Chiềng cọ, TP Sơn La; Hộ kinh doanh Đỗ Thị Thủy - Bản Lậu Khẩu (Bản Lả Hôm cũ), xã Chiềng Cọ, TP Sơn La; Hộ kinh doanh Quàng Văn Tính - Bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, TP Sơn La; Cơ sở thu thu chế biến nông sản Vương Bá Trung - Bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu; Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hân - Bản Nam Tiến, xã Bon Phặng huyện Thuận Châu; Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Diệp - Bản Nam Tiến, xã Bon Phặng huyện Thuận Châu.
Tại buổi làm việc, Đoàn đã phổ biến kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 1/6/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm nguồn nước cấp nước trên địa bàn thành phố Sơn La; kế hoạch kiểm tra các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn 3 huyện, thành phố trước, trong và sau niên vụ cà phê 2018-2019; đồng thời, kiểm tra hiện trạng việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở trên.
Đa số các cơ sở thuộc diện kiểm tra đều có vi phạm và đã bị UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định đình chỉ hoạt động trong niên vụ cà phê 2017-2018. Niên vụ 2018-2019, tỉnh Sơn La kiên quyết không cấp phép hoạt động trở lại cho các cơ sở khi không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tại buổi kiểm tra, đại diện các cơ sở cũng kiến nghị Đoàn kiểm tra, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải là quá khả năng của các cơ sở; đề nghị cho phép các cơ sở tạm thời đào ao chứa nước thải, lót bạt HDPE để xử lý trước mắt, do niên vụ cà phê 2018-2019 đã cận kề.