Sơn La: Tuyên truyền quy trình, kỹ thuật bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế cà phê

Tin tức - Ngày đăng : 17:38, 01/08/2018

(TN&MT) - Ngày 1/8, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Sơn La do Sở TN&MT chủ trì, đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn áp dụng quy trình, kỹ thuật về bảo vệ môi trường với 07 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu.
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2017, việc sơ chế, chế biến cà phê là nhân tố chính gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt thành phố Sơn La, khiến Nhà máy nước thành phố phải ngừng cấp nước thời gian dài, gây bức xúc cho nhân dân. Đây không phải vấn đề mới, mà đã bắt đầu từ năm 2012. Ngay cả tháng 4/2018, dù chưa tới niên vụ cà phê nhưng vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm do các cơ sở thau rửa bể chứa.

Bên cạnh đó, các sở ngành đã nhiều lần tiến hành thanh, kiểm tra, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các cơ sở. Từ đó, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ban hành các văn bản đôn đốc việc chấp hành kết luận thanh tra nhưng đa số các cơ sở đều không nộp phạt và không chấp hành.

Trước tình hình này, chuẩn bị cho niên vụ cà phê 2018-2019, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tại các địa bàn trọng điểm gồm thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu và Mai Sơn tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, giám sát việc xử lý, không để xảy ra ô nhiễm cà phê như năm 2017 và các năm trước. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN&MT chủ trì, để tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở từ tháng 7/2018 đến hết niên vụ. Giao ngành TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành khảo sát, thăm dò, điều tra, xác định hành lang bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng ở lưu vực đầu nguồn. Ngành TN&MT đã mời các chuyên gia từ các đơn vị tư vấn đầu ngành phối hợp thực hiện.

Tuyên truyền tại xã Bon Phặng
Đoàn kiểm tra đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường

Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Trụ đã thông tin tới các hộ sơ chế cà phê về tính cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt; những dự án tỉnh đang triển khai để bảo vệ hành lang nguồn nước. Thông tin tới các cơ sở những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Trách nhiệm nghĩa vụ của các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Hướng dẫn các hộ phải thực hiện nghiêm các quy định về môi trường trước khi vào niên vụ cà phê 2018-2019.

Tiếp đó, đại diện các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu đã có ý kiến với đoàn kiểm tra về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nước thải cà phê. Ông Nguyễn Văn Khải, bản Tiên Hưng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu cho biết: Ngành cà phê đóng góp cho sự phát triển kinh tế nhưng cũng gây ảnh hưởng môi trường. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật, đảm bảo môi trường, để yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Ông Bùi Văn Công, cơ sở cà phê tại bản Nam Tiến, xã Bon Phặng chia sẻ: Trong các cơ sở chúng tôi, thiếu thốn rất nhiều về kinh tế, về tư vấn kỹ thuật. Năm 2017, thấy tình trạng thành phố mất nước, nhất là tại các bệnh viện, trường học, chúng tôi cũng nhận trách nhiệm về mình. Sau các cuộc thanh, kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nhiều thiếu sót của cơ sở. Bởi vậy, tôi mong muốn các ban ngành chức năng có kế hoạch tháo gỡ cụ thể cho các cơ sở và để chúng tôi thực hiện theo kế hoạch, vì niên vụ mới đã cận kề. Hướng dẫn những phương pháp trước mắt như đào ao lót bạt chống thấm như thế nào với sức chứa phù hợp công suất của cơ sở. Trong quá trình đó, các ban ngành giám sát kiểm tra chặt chẽ, chúng tôi cam kết tuân thủ.

Tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn 2 xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.
Tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn 2 xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, thành phố Sơn La

Ông Nguyễn Văn Chung, xã Tông Lệnh cũng kiến nghị, để tạo điều kiện cho bà con trồng cà phê và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, tôi mong muốn các cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ sở đào ao chứa nước thải, lót bạt theo đúng quy chuẩn, làm hầm biogas xử lý theo phương pháp của các cơ sở chăn nuôi lợn. “Bởi cà phê Sơn La phải chế biến bằng phương pháp ướt mới mang lại hiệu quả cao. Song nước thải thải ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước. Tôi đã đi tham khảo quy trình xử lý nước thải tại một số cơ sở chăn nuôi ở Thái Bình, Hưng Yên và thấy kết quả tốt. Riêng cơ sở xa khu dân cư, thì có thể không cần hầm biogas mà xử lý bằng men và bèo tây. Như vậy vừa mang lại lợi nhuận cho bà con và vẫn đảm bảo môi trường” - ông Chung đề xuất.

Trước đó, ngày 31/7, Đoàn cũng đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn áp dụng quy trình, kỹ thuật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn 2 xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.

Từ ngày 6-15/8 tới, Đoàn kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, gồm các cơ sở đã được thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và các cơ sở sơ chế có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước tại Nhà máy nước số 1 thành phố Sơn La. Đồng thời, tại thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu sẽ thành lập 3 tổ kiểm tra do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực TN&MT làm tổ trưởng để kiểm tra, giám sát các cơ sở còn lại trên địa bàn.